Tết đến là dịp để đoàn tụ với người thân bên mâm cơm nhà ấm áp, nghĩa tình. Tết đến xuân về, không khí rạo rực khắp mọi nơi nhưng với những người con xa xứ thì trong họ luôn đầy ắp những nỗi niềm trăn trở bởi trong lòng đầy ắp nỗi nhớ quê nhà.
Nghĩ đến gia đình, quên nỗi cực nhọc nơi xứ người
Khác với không khí náo nhiệt ở quê nhà, những người lao động ở Đài Loan vẫn đang miệt mài lao động trong những công xưởng. Tại Đài Loan, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều làm đến 29 Tết Âm Lịch nên không khí càng trở nên đặc biệt.
Anh Hạnh trong phân xưởng lao động của mình những ngày cận Tết Nguyên Đán. Năm nào anh Hạnh cùng những người đồng hương Việt Nam cũng phải miệt mài ở phân xưởng đến 29 Tết mới được nghỉ.
Hầu hết, lao động Việt tại Đài Loan đều xuất phát từ những miền quê nghèo nên nỗi nhớ không khí quê càng khắc khoải. Anh Nguyễn Huy Hạnh (32 tuổi, Thạch Hà, Hà Tĩnh) tâm sự: "Những ngày này là những ngày đặc biệt nhất với những người lao động như mình. Công ty của mình 29 Tết mới được nghỉ, nên những ngày cuối năm anh em nhiều tâm sự lắm. Mấy hôm mẹ cứ điện sang hỏi ăn Tết ra sao mà nghẹn ngào chẳng nói nên lời"
Với những người lao động Việt ở Đài Loan, tiền lương chủ yếu ở mức trung bình nên để chi trả một chuyến bay về quê ăn Tết vốn dĩ là điều xa xỉ. Chị Phan Hải Anh (28 tuổi, Vụ Bản, Nam Định), làm công nhân hái chè tại Đài Loan tâm sự: "Những ngày cận Tết, dù nhớ nhà nhưng cũng chẳng dám về vì nếu về quê cả chi phí phát sinh cũng phải mất đến mấy chục triệu, bằng mấy tháng lao động mệt nhọc bên này. Nhớ lắm nhưng nghĩ đến con, đến bố mẹ, đến gia đình là bao nỗi mệt nhọc bỗng quên hết".
Nhóm lao động Việt quê miền Trung tranh thủ tụ họp để đón Tết bên anh em, bạn bè, người thân. Vì toàn đàn ông nên mâm cơm Tết cũng chỉ giản dị là các món ăn có thể làm ngay tiện lợi, để nấu.
Tuy xa nhà nhưng những lao động Việt tại Đài Loan vẫn không quên Tết Việt. Năm nào vào chiều 30 Tết, những anh em đồng hương, gần chỗ làm nhau lại sum vầy bên những món ăn giản dị tự chuẩn bị được để có thể sum họp, tâm giáo để quên nỗi nhớ quê, nhớ gia đình.
Mẹ không gói bánh chưng vì thiếu người vót lạt
Tết đến những người Việt Nam sống tại Đức lại quây quần gói bánh chưng ở chùa Pho-Da Berlin để được đón Tết cổ truyền với hương vị truyền thống.
Trò chuyện với những người thân của những người lao động tại nước ngoài, chúng tôi không khỏi khắc khoải. Ở nhiều vùng quê, việc cả gia đình cùng nhau chuẩn bị Tết là chuyện không hiếm nhưng vì con cái xa quê nên với họ những ngày Tết cảm giác thiếu vắng là không thể tránh khỏi.
Lao động vất vả quanh năm nên tiền vé về Tết cũng là một khoản tiền không nhỏ đối với người xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Thông thường họ sẽ để dành tiền để có thể trang trải thêm cho người thân chi tiêu dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Thanh (46 tuổi, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) xúc động chia sẻ: "Mấy năm rồi nhà tôi không gói bánh chưng vì Thắng, con trai đầu của tôi, đã đi xuất khẩu lao động tận Nhật Bản, không ai vót lạt cho. Nhà neo người, cứ 27, 28 âm lịch nhìn ra ngõ, thấy con cháu người ta về từng đoàn mà tôi chỉ biết lau nước mắt vì thương con. Thương vì còn trẻ mà lao động ở xa nhà, thương cảnh vợ chồng xa nhà neo người".
Những ngày cuối tuần cận Tết cổ truyền, anh Mai Văn Công (hiện đang sống và làm việc tại Berlin, Đức) dành nhiều thời gian hơn cho các con đi chơi và mua sắm nguyên liệu để đón Tết cổ truyền với hương vị quê nhà. Anh cũng kể cho các con nghe những câu chuyện hay về quê hương Việt Nam.
Nhờ có con đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài mà nhiều gia đình cũng trở nên khấm khá hơn, ăn Tết đầm ấm hơn. Tuy vậy, với tâm lý của người làm cha mẹ, họ vẫn chưa thể vui khi tiêu xài tiền con gửi về. Bởi, với họ đó là những đồng tiền lao động bằng cả mồ hôi, nước mắt và tuổi trẻ của con.
Có tất cả nhưng thèm lắm cơm mẹ nấu
Khác với những người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, những du học sinh có đời sống ổn định hơn và không phải lo lắng quá nhiều về việc mưu sinh. Tuy vậy, việc đón Tết xa nhà cũng đem đến cho các em nhiều xúc cảm đặc biệt.
Học sinh Việt Nam du học phần lớn ở các nước ăn Tết dương lịch như Nga, Úc, Mỹ nên việc ăn Tết âm lịch là điều không thể. Đặng Uyển Nhi (22 tuổi, theo học ngành hospitality management Douglas college tại Úc) tâm sự: "Mình không phải lo lắng quá nhiều đến chi phí học tập và sinh hoạt vì đã có bố mẹ lo nhưng nỗi nhớ nhà ngày Tết thì luôn thường trực. Tuy vậy, vào những ngày cận Tết, các anh chị em cộng đồng học sinh lại tranh thủ những ngày cuối tuần để gói bánh chưng, tổ chức các trò chơi tập thể để nhớ đến Tết Việt vừa để quên nỗi nhớ nhà".
Nhi và những những người bạn của mình tranh thủ sum họp những ngày cuối năm. Những dịp này, các sinh viên người Việt thường mời luôn cả cô giáo nước ngoài của mình tham gia trải nghiệm luôn không khí Tết Việt.
Cùng chung niềm tâm sự, Kiệt Dương (đang theo học chương trình dự bị đại học tại trường đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh) thổ lộ: "Mình chỉ vừa sang Anh được một tháng lại đúng vào thời điểm cận Tết nên rất nhớ nhà. Điều kiện sống của mình cũng khá đầy đủ nên không phải đi làm thêm. Tuy vậy, cứ mỗi lần lên Facebook, thấy mọi người đăng đi chợ hoa mua sắm là lại thấy nhớ nhà vô cùng. Tuy có tất cả nhưng vẫn thèm nhất cơm mẹ nấu. Thèm được ngồi sum họp bên gia đình với không khí đầm ấm như thường lệ".
Kiệt Dương trong những trải nghiệm đầu tiên tại nước ngoài. Với em, Tết về, điều nhớ nhất vẫn là cơm mẹ nấu.
Ăn Tết xa quê, lắm khắc khoải, nhiều nhớ mong tuy vậy những đứa con người Việt tại nước ngoài vẫn luôn hướng về quê hương với tình cảm trân quý. Anh Hạnh bắt xe cả trăm cây số từ Chăng Hoa ở Đài Trung để mua sắm, nấu nướng cùng các anh em Hà Tĩnh sum vầy cuối năm.
Những người mẹ ở quê nhà đang hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn với núm ruột yêu thương. Uyển Nhi và Kiệt vẫn miệt mài trên giảng đường để tìm kiếm tri thức. Điều quan trọng nhất, dù ở đâu, làm gì thì giá trị Việt, hồn cốt Việt, Tết Việt vẫn đang được lan tỏa theo những cách rất riêng.
Huy Hoàng - Hà An
Nguồn: Giadinh.net.vn