"Ra ngõ gặp… hoa hậu", đó là câu nói vui của dân mạng trước việc xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam.
Cụ thể, ngay khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vừa khép lại vào cuối tháng 6 vừa qua, các fan sắc đẹp lại tiếp tục chờ đón chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam (16/7), rồi đến Miss World Vietnam (12/8)...
Thống kê cho thấy từ nay đến cuối năm, có ít nhất 10 đêm chung kết để tìm ra chủ nhân các vương miện, với đủ loại danh xưng khác nhau như: Hoa hậu Áo Dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Nữ hoàng Trang Sức Việt Nam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam... Đấy là chưa kể các cuộc thi sắc đẹp thuộc ban ngành, các trường đại học…
Thí sinh Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam tham gia thử thách tạo dáng với bikini (Ảnh: Ban Tổ chức).
Vì sao các cuộc thi Hoa hậu lại tăng "đột biến" về số lượng trong năm 2022?
Trước đây, Việt Nam chỉ cho phép tổ chức 2 cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực (tháng 2/2021), Chính phủ đã cho phép tổ chức các cuộc thi Hoa hậu không giới hạn số lượng trong một năm.
Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp sẽ do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn như trước đây.
Tuy số lượng Hoa hậu ngày càng nhiều nhưng chất lượng thí sinh lẫn cuộc thi lại là một dấu hỏi với khán giả?
"Gương mặt thân quen" liên tục xuất hiện ở các cuộc thi nhan sắc
Thực trạng "bùng nổ" các cuộc thi sắc đẹp dẫn đến tình trạng "nhẵn mặt thí sinh". Trên thực tế, có những người đẹp vừa kết thúc cuộc thi này, lại tham gia một cuộc thi khác, hệt như... chạy show.
Ví dụ như Đàng Vương Huyền Trân, cô gái dân tộc Chăm này từng gây chú ý khi vào top 45 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Khi cuộc thi chỉ mới khép lại chưa đầy một tháng, Huyền Trân lại tiếp tục góp mặt trong top 30 người đẹp vào chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam ngày 16/7 tới.
Đàng Vương Huyền Trân tham gia 2 cuộc thi Hoa hậu trong năm 2022 (Ảnh: Ban Tổ chức).
Trên một diễn đàn sắc đẹp, khán giả bày tỏ sự "ngán ngẩm" khi có quá nhiều "gương mặt thân quen" ở các cuộc thi Hoa hậu năm nay.
Điển hình như tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, trước khi đăng quang Hoa hậu, Ngọc Châu từng là Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2018, tham dự Miss Supranational 2019. Thí sinh Hương Ly cũng từng là Quán quân Vietnam's Next Top Model 2015 và 2016, 3 lần dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Nam Em cũng từng đăng quang Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, Top 8 Miss Earth 2016. Năm nay, cô trở lại tranh tài ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam….
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, dù mong chờ "làn gió mới" nhưng trước thực trạng quá nhiều cuộc thi trong một năm như vậy, lấy đâu ra đủ thí sinh "chất lượng"?
Như tại cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam, dù dự kiến diễn ra chung kết vào ngày 30/7 nhưng đến đầu tháng 7 mới chỉ có 25 thí sinh đăng ký, kể cả khi đã nới rộng tiêu chí từ 18 - 45 tuổi, chấp nhận cả thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ, lập gia đình...
Mới đây, siêu mẫu Vũ Thu Phương - một thành viên Ban giám khảo của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 - cũng đề cập đến việc có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp. Theo siêu mẫu, số lượng các cuộc thi nên giảm bớt để thí sinh có đủ thời gian rèn luyện, đào tạo.
Liên tiếp cuộc thi sắc đẹp vướng ồn ào
Không chỉ "nhẵn mặt thí sinh", số lượng các cuộc thi sắc đẹp vướng ồn ào cũng tăng dần, tỷ lệ nghịch với chất lượng thí sinh.
Cuộc thi "Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu" diễn ra vào tháng 4 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng vướng ồn ào khi Á hậu 3 Đ.T.H đã tố BTC cuộc thi mua bán giải.
Cụ thể, bà Đ.T.H cho rằng bà đã chi 800 triệu đồng để có được danh hiệu Á hậu 3. Nhưng càng theo chương trình, bà càng phải đầu tư nhiều hơn, tốn kém rất nhiều khoản chi phí phát sinh.
Trước sự việc này, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng đã phạt đơn vị tổ chức Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 20 triệu đồng do hành vi tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được cấp phép, cụ thể trao thêm giải không có trong đề án được cấp phép, có sự thay đổi về thành phần ban giám khảo, ban tổ chức nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng.
Đây không phải lần đầu việc mua, bán danh hiệu diễn ra ở các cuộc thi nhan sắc. Năm 2020, Hoa hậu Q.H.L của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt tố cáo BTC mua bán giải, chỉ sau vài ngày đăng quang.
Theo đơn tố cáo, bà Q.H.L và nhiều thí sinh đã phải chi hàng tỷ đồng dưới danh nghĩa tài trợ cho cuộc thi này. Bà Q.H.L đã đồng ý tài trợ cho cuộc thi với số tiền 800 triệu đồng và nhiều khoản chi khác để nhận vương miện hoa hậu, dù …không trải qua bất cứ phần thi nào.
Sau đó, BTC Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt bị phạt 90 triệu đồng vì tổ chức thi "chui". Tháng 2/2022, công an TPHCM truy tìm Giám đốc công ty tổ chức cuộc thi này để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
T.N.H dành giải Nhất tại cuộc thi tìm kiếm người đẹp du lịch Quảng Bình 2019 (Ảnh: Tiến Thành).
Cùng năm đó, Hoa khôi du lịch Quảng Bình 2019 T.N.H bị tước vương miện vì đã một số vi phạm gây ảnh hưởng đến hình ảnh cuộc thi.
Trước quyết định này, T.N.H đã gửi đơn khiếu nại, lên tiếng tố BTC cuộc thi đã yêu cầu cô làm những điều "tế nhị" mà cô không hề mong muốn, đồng thời khẳng định bản thân chưa hề vi phạm gì để mất hình ảnh, làm trái thuần phong mỹ tục.
Liên quan đến sự việc, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình cho rằng việc tước danh hiệu nói trên không đúng với quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bởi lẽ, phải có ý kiến đồng ý của cơ quan cấp phép tổ chức cuộc thi, cụ thể là UBND tỉnh Quảng Bình mới được ra quyết định tước vương miện, thu hồi danh hiệu….
Số lượng Hoa hậu tăng, "giá trị vương miện" lại giảm?
Khi "bùng nổ" quá nhiều các cuộc thi Hoa hậu, khán giả rơi vào tình trạng... không nhớ nổi cô nào đoạt giải thưởng nào, dẫn đến chuyện Hoa hậu bỗng trở thành một danh xưng "đại trà".
Theo ông bầu Phúc Nguyễn - người gắn bó với nhiều cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam, thực trạng tràn lan các cuộc thi sắc đẹp đang là "nỗi nhức nhối" với người trong nghề.
"Trước đây, danh hiệu Hoa hậu là điều rất cao quý, là niềm tự hào và là ước mơ của nhiều cô gái trẻ. Hiện tại, cụm từ Hoa hậu đang trở nên quá dễ dãi. Các cuộc thi ào ạt tổ chức, vàng thau lẫn lộn, không cần yêu cầu chuyên môn hay điều kiện khắt khe như trước. Nhà nhà tạo ra Hoa hậu, thì thử hỏi, cần gì một chuyên gia đào tạo Hoa hậu nữa?", ông Phúc Nguyễn chia sẻ với PV Dân trí.
Trước khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, Ngọc Châu từng là Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2018, tham dự Miss Supranational 2019 (Ảnh: Anh Tú).
Cũng theo ông bầu Phúc Nguyễn, số lượng các cuộc thi tăng lên thì chất lượng giảm xuống là "điều đương nhiên".
"Giả sử như trước đây chỉ có khoảng 1.000 bạn nữ đủ điều kiện trong độ tuổi dự thi. Năm nay cũng chỉ từng đó thí sinh thôi nhưng lại chia ra hàng chục cuộc thi khác nhau. Chất lượng giảm là đương nhiên. Ngoài ra, các cuộc thi đua nhau tổ chức, cạnh tranh nhau về các tiêu chí nên cũng thiếu thời gian đầu tư, đào tạo thí sinh một cách nghiêm túc. Nhìn tổng thể, mọi thứ đều xuống cấp chứ không chỉ mặt bằng thí sinh", ông Phúc Nguyễn nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không thể đánh đồng tất cả mà xem như đây là "cuộc đua", trong đó những yếu tố truyền thống và tốt đẹp sẽ tồn tại, còn những cuộc thi tự phát, thiếu chuyên nghiệp, sẽ tự bị đào thải theo thời gian. "Những cuộc thi mang danh "Hoa hậu" nhưng chưa có mục đích, tính nhân văn, thì cũng sẽ bị quên lãng mà thôi", ông Phúc Nguyễn khẳng định.
Chia sẻ thêm về vấn đề này với PV Dân trí, bà Đặng Thanh Hằng - nhiều năm làm cố vấn cho các cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam - cũng cho rằng các cuộc thi nên có sự chọn lọc để đảm bảo chất lượng. Khi những cuộc thi nhan sắc diễn ra ồ ạt, "bát nháo" thì mục đích tìm kiếm chủ nhân vương miện cũng sẽ dễ bị "thương mại hóa" thay vì đề cao tính nhân văn như trước.
"Các cuộc thi phải đặt ra được ý nghĩa, sứ mệnh cụ thể và cần phải được đầu tư có quy mô và chọn được ứng viên đủ kiến thức, trình độ, tư duy. Ngoài ra, các thí sinh cũng cần được giáo dục để hiểu mục đích dự thi không phải là để đổi đời mà đều có những sứ mệnh riêng", bà Hằng chia sẻ.
"Các cuộc thi kém chất lượng sẽ nhanh chóng bị đào thải"
Chia sẻ với PV Dân trí nhà báo Ngô Bá Lục - giám khảo của nhiều cuộc thi sắc đẹp lại đưa ra góc nhìn riêng. Anh cho rằng chất lượng Hoa hậu tùy thuộc vào từng cuộc thi. Với những cuộc thi lớn, chính thống, uy tín và khách quan thì chất lượng không bị thấp đi mà ngày càng được nâng cao.
"Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi, lại có nhiều điều kiện phát triển cả trí tuệ, tâm hồn và những trải nghiệm thực tế nên họ càng "siêu" hơn. Hãy nhìn những Hoa hậu gần đây như Đỗ Mỹ Linh, Lương Thùy Linh, Đỗ Thị Hà,... đều là những người học giỏi và tài năng, hoặc những người có tên tuổi lớn trong giới bởi tài năng và cống hiến của họ như H'Hen Niê, Khánh Vân, Phương Khánh, Thùy Tiên đều là những Hoa hậu "chất lượng"", nhà báo Ngô Bá Lục nói.
Hoa hậu H' Hen Niê tỏa sáng tại cuộc thi Miss Universe 2018 (Ảnh: Ban Tổ chức).
Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng những cuộc thi có chất lượng, danh giá sẽ tồn tại, còn các cuộc thi kém chất lượng sẽ nhanh chóng bị đào thải: "Hoa hậu và cuộc thi Hoa hậu cũng chỉ là một hoạt động giải trí, thế nên công chúng cũng không đặt nặng vào vai trò của Hoa hậu và họ cũng không đòi hỏi nhiều từ các cuộc thi.
Tuy nhiên, cuộc thi nào tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và hấp dẫn thì vẫn có sức hút lớn đối với công chúng. Hoa hậu nào vừa đẹp, vừa giỏi thì vẫn được công chúng yêu mến và trở nên nổi tiếng.
Còn các cuộc thi mua, bán giải cũng giống như trên thị trường có hàng giả, hàng thật. Cái đẹp thực sự và những đơn vị tổ chức nghiêm túc, công bằng thì sẽ tồn tại, còn các cuộc thi kém chất lượng sẽ nhanh chóng bị đào thải, công chúng cũng tự tẩy chay những cuộc thi như thế".
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam, đại diện một đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp từng nêu ý tưởng tạo ra một ngành công nghiệp hoa hậu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhà báo Ngô Bá Lục, hoa hậu liên quan đến vấn đề con người nên nếu trở thành ngành công nghiệp sẽ khá nhạy cảm, cần có một lộ trình và những quy định, pháp chế cụ thể, rõ ràng, chi tiết để tránh những điều đáng tiếc.
Vi Anh - Bích Phương
13/07/2022
Nguồn: Báo điện tử Dân trí