Chiêu trò?
Trong vai khách hàng, phóng viên liên hệ với công ty W.T. để tìm hiểu thêm về chương trình mua tour Maldives, tặng visa Pháp.
Đại diện công ty này cho biết “tặng” ở đây là miễn khoản phí nộp cho Lãnh sự quán Pháp. Công ty cũng hỗ trợ khách hàng đã mua tour Maldives làm bộ hồ sơ đẹp nhất để tăng tỷ lệ đậu.
Như vậy, từ “tặng” ở đây không thực sự chính xác. Với hình thức “tặng” này, có xin được visa Pháp hay không còn tùy thuộc vào khách hàng.
Chương trình mua tour tặng visa được quảng cáo trên fanpage của công ty mới hoạt động từ tháng 3/2022. Ảnh: Anh Tú.
Khi được hỏi nếu có hợp đồng lao động 3 năm, 27 tuổi, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, có sổ tiết kiệm nhưng hộ chiếu trắng liệu có đỗ không, đại diện công ty khẳng định tỷ lệ thành công lên tới 80%.
“Lãnh sự quán Pháp không yêu cầu phải đi bao nhiêu nước để đảm bảo đậu visa. Việc công ty cần khách hàng đi tour Maldives là cách chúng tôi chứng minh tài chính của khách hàng.
Một người thu nhập thấp làm sao có thể đi được? Maldives là thị trường phát triển du lịch. Đi Maldives là cách thể hiện với Lãnh sự quán Pháp rằng đây là hồ sơ của một khách du lịch thực sự, không phải làm để đối phó”, đại diện W.T. chia sẻ.
Kết thúc cuộc nói chuyện, nhân viên công ty tiếp tục động viên việc xin visa Pháp không quá khó nên hãy cứ mạnh dạn nộp. Hộ chiếu trắng là bất lợi nhưng thu nhập ổn định, có hợp đồng lao động và đã đi Maldives cũng tăng cơ hội đậu visa.
Ông Phạm Duy Nghĩa khẳng định chiêu trò “mua tour tặng visa” là treo đầu dê, bán thịt chó. Ảnh: Phạm Duy Nghĩa.
Trao đổi với Zing về trường hợp này, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, nhận xét đây là trò “treo đầu dê bán thịt chó”, kích cầu du lịch không đúng sự thật. Đơn vị trên chỉ đang cố thu hút khách mua tour.
Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tổ chức tour châu Âu, Mỹ, làm hồ sơ visa, ông Nghĩa nhận xét việc hộ chiếu trắng, có duy nhất dấu của Maldives gần như không có tác dụng gì khi xin visa Pháp.
“Một người Việt Nam muốn xin visa châu Âu thường phải đi vài nước Đông Nam Á, rồi tới Hàn Quốc, Nhật Bản. Muốn đậu visa cũng phải có tỷ suất đi lại chứ có mỗi Maldives không đủ. Họ bán mà không hiểu về châu Âu”, ông Nghĩa nói.
Xin visa không thể nói chắc
Theo tìm hiểu của Zing, các đơn vị du lịch hoặc dịch vụ làm visa cũng không thể đảm bảo 100% hồ sơ “nộp là đậu”.
Điều họ có thể làm là giúp bộ hồ sơ của khách chứng tỏ được hết các điểm mạnh (công việc, hồ sơ tài chính, lịch trình bay, đặt phòng…). Ngoài ra, các nước châu Âu cũng sẽ có quy định riêng về người bảo lãnh. Công ty chuyên nghiệp sẽ nắm được điều này và hỗ trợ phần nào cho khách.
C.L., Giám đốc một công ty làm dịch vụ visa ở TP.HCM, cho biết một số đơn vị top đầu ở Việt Nam như Vietravel, Saigontourist… có thể được ưu ái hơn từ phía Lãnh sự quán. Nguyên nhân là các công ty này làm việc nhiều với phía Lãnh sự quán, tổ chức tour thường xuyên.
“Tuy nhiên, uy tín và bảo lãnh của họ cũng chỉ là một phần thôi. Không đủ để đảm bảo 100%”, C.L. chia sẻ.
Việc xin visa Pháp không đơn giản chỉ cần có lịch sử du lịch Maldives. Ảnh: Nguyen Anh Lukas.
Về trường hợp của công ty W.T. kể trên, C.L. chỉ ra một số điểm bất hợp lý. Ví dụ, visa châu Âu thường cấp theo lịch trình, rất khó xin dài hạn. Nếu bạn đi từ 1/9 đến 15/9, họ sẽ chỉ cấp đúng như lịch trình này. Và trong trường hợp khách không đi được như đúng lịch trình này, món quà tặng coi như vứt đi.
“Bảo tặng làlừa thì hơi quá nhưng tôi nghĩ dùng từ này hơi gài khách hàng. Lịch sử đi Maldives cũng chỉ là lợi thế thêm”, anh cho biết.
Đại diện đơn vị này chia sẻ thêm việc mua tour Maldives cao cấp và tặng phí làm visa vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ đậu 80% cho khách là suy nghĩ có phần chủ quan. C.L. nhận xét không chắc chắn công ty này lừađảo nhưng du khách nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua tour.
Nhìn chung, để đảm bảo không rơi vào trường hợp xấu, du khách nên cân nhắc về độ uy tín và thời gian hoạt động của công ty. Một số công ty vừa hoạt động không lâu có thể đưa ra những chiêu trò nhằm lôi kéo khách nhưng không đảm bảo được chất lượng.
Theo Zing