Người ta hay thấy video xe tăng Nga trúng đạn và sau vài giây tháp pháo nổ tung, bay lên cao vài chục mét. Đó là do kho đạn để bên dưới tháp phảo nổ, hất tung tháp pháo lên. Khi đó chất lượng thép gì cũng bung. Nhưng dân ghét China hay nói đểu “Vì dùng bi made in China!”

1 Cau Chuyen Cuoi Tuan Cai O Bi

Xe tăng Nga bị trúng đạn thường văng tháp pháo ra. Nguồn Focus

Người ta bảo: Cuộc đời như cái máy, cần phải bôi trơn thì mọi việc mới chạy. Trong thực tế thì cái máy cơ khí nào muốn chạy cũng phải cần ổ bi (còn gọi là vòng bi, tiếng Anh = ball-bearing, tiếng Đức =Kugellager, ông Tây gọi là roulement à billes).

Một cái xe máy Honda cần đến cả chục ổ bi các loai.

2 Cau Chuyen Cuoi Tuan Cai O Bi

so sánh bi Trung Quốc (trái) và bi Đức (phải). Vành ngoài và vành trong của bi Đức có khe để nhét nắp đậy vào đó nên bụi không chui vào được. Bi Trung Quốc không có khe nên nắp đậy chỉ ấn vao, khi bi quay, tạo kẻ hở cho bụi chui vào, giảm tuổi thọ của bi.

Hồi những năm 1980-1990, người Việt đi Đông Âu buôn ổ bi về là trúng nhất. Không chỉ hàng triệu chiếc xe máy, xe ô-tô, xe công nông, máy bơm nước v.v của tư nhân cần nó, mà cả các xí nghiệp quốc doanh cũng phải mua ổ bi qua đường tiểu ngạch này. Nhiều người xây nhà mua đất nhờ buôn ổ bi.

Ổ bi lúc đó được đóng thùng gửi về từ Đức, Tiệp, Hung, Ba-lan và nhiều nhất là từ Liên-Xô.

Nhiều người không biết rằng ổ bi Liên Xô đa số sản xuất ở Ukraine. Người ta cứ tưởng máy móc và vũ khí viện trợ của Liên Xô là đồ Nga. Ukraine có ngành luyện thép phát triển nên làm rất nhiều đồ cơ khí „Cделано в CCCP“ (made in USSR).

Theo trung tâm CSIS (Center for Strategic and International Studies) thì năm 2020 Nga phải nhập 55% ổ bi từ nước ngoài. Lượng ổ bi cao cấp nhập từ Đức, chủ yếu là của hãng Schäffler, một nhà cung cấp của BMW, Audi, Mercedes chiếm 17%. 38% còn lại được nhập từ Bắc Mỹ và châu Âu, trong đó có cả Ukraine.

Nay mất nguồn cung cấp này, dự trữ ổ bi của Nga đang cạn dần vì sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 45% thị trường.

Trong khi đó nhu cầu chế tạo xe cơ giới, xe tăng, tầu thủy, đại bác v.v đang tăng lên. Chỉ riêng việc thay thế 2000 xe tăng bị phá hủy ở mặt trận đã là một vấn đề. Mặt khác, mọi vận chuyển khí tài ra chiến trường đều chạy trên đường sắt.

Nạn khan hiếm ổ bi đang gây ra bế tắc: Làm xe tăng thì thôi bảo dưỡng đường sắt và ngược lại.

Thế là Nga phải xoay xở nhập ổ bi từ Trung Quốc và Malaysia. Nhưng chất lượng của các ổ bi này chỉ đạt trình độ cho xe máy dân dụng hoặc cho các loại xe hơi kiểu như Dongfeng, BYD, Geely. (Không biết Vinfast có xài ổ bi “made in China” không?).

Làm ra ổ bi thì dễ, nhưng đạt chất lượng cao rất khó. Điều khó nhất để có độ bền là tạo ra thép cứng, độ tinh khiết cao và có pha tỷ lệ hợp lý Mangan, Chrom, Molypden. Đây là bí quyết của các nhà sản xuất. Ngoài ra các yếu tố khác về độ chính xác, về cách thiết kế vành trong, vành ngoài, về cách làm vỏ che chắn tạp chất rơi vào vòng bi hoặc các loại mỡ cũng tạo nên sự khác biệt về chất lượng.

Vòng bi Đức có truyền thống cả trăm năm qua nên ô-tô và máy công cụ của Đức luôn đứng đầu thế giới.

3 Cau Chuyen Cuoi Tuan Cai O Bi

Ổ bi cao cấp của hãng Schäffler (Đức). Nguồn Schäffler Autotive.

17% số bi Nga nhập từ Đức về cho quân sự và kỹ nghệ cao giờ kiếm đâu ra.

Tất nhiên cấm vận đang khiến Nga thiếu đủ thứ, từ chip điện tử, vật liệu cao cấp làm vỏ máy bay đến cả cái Airbag cho xe hơi v.v và v.v. Nhưng nếu Nga thất bại vì thiếu vòng bi cho xe tăng thì quả là đã tự cưa cái cành mình ngồi trên đó.

Bác nào đang cố làm ốc vít mà làm ra không tiêu thụ được, giờ chuyển hướng làm ổ bi biết đâu giàu nhanh. Thằng đói thì made ở đâu mà chả xài.

Nguyễn Xuân Thọ (Từ CHLB Đức)