Trong lễ hội ở đền Sensoji, thủ đô Tokyo hôm nay, 64 em bé được cha mẹ bế lên võ đài sumo để thi đấu theo cặp. Nhân viên ban tổ chức đeo mặt nạ quỷ "oni", nhân vật trong truyện dân gian Nhật Bản, cố làm cho các thí sinh khóc. Bé khóc trước sẽ được trọng tài tuyên bố là người chiến thắng. Trọng tài cũng mặc trang phục sumo truyền thống, tay cầm quạt gỗ.
"Chúng ta có thể biết tình trạng sức khỏe của một đứa trẻ bằng cách lắng nghe cách chúng khóc. Hôm nay, con tôi có thể sợ sệt và không khóc nhiều, nhưng tôi muốn nghe tiếng khóc khỏe mạnh của con", Hisae Watanabe, mẹ của bé gái 8 tháng tuổi, nói.
'Võ sĩ sumo nhí' thi khóc ở Nhật Bản
Lễ hội "sumo khóc" ở Tokyo ngày 22/4. Video: Euro News
Lễ hội "sumo khóc" đã được tổ chức tại nhiều đền chùa Nhật Bản, trước sự thích thú của phụ huynh và người xem. "Một số người có thể nghĩ rằng thật kinh khủng khi làm trẻ em khóc. Nhưng ở Nhật Bản, chúng tôi tin rằng những đứa trẻ khóc lớn cũng sẽ lớn lên khỏe mạnh. Sự kiện này diễn ra tại nhiều nơi ở Nhật Bản", Shigemi Fuji, chủ tịch Liên đoàn Du lịch Asakusa, đơn vị tổ chức cuộc thi ở Tokyo, cho biết.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho biết lễ hội này bắt đầu từ thời kỳ Edo (1603-1867) và đã tồn tại hơn 400 năm.
Mỗi vùng miền có thể lệ riêng. Có nơi quy định đứa trẻ khóc trước là bé chiến thắng nhưng cũng có nơi quy định khóc trước là thua cuộc.
"Người ta tin rằng tiếng khóc của trẻ con có thể xua đuổi quỷ dữ và bảo vệ những đứa trẻ khỏi điều xấu", nhà sư Hiroyuki Negishi ở đền Kamegaike Hachimangu, Tokyo, cho biết hồi năm 2017.
Hai em bé tham gia lễ hội trẻ em khóc ở đền Sensoji, thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 22/4. Ảnh: AFP
Huyền Lê (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET