Khi các doanh nghiệp công nghệ ngoại rời đi, những nhà cung cấp dịch vụ nội địa của Nga nhìn thấy cơ hội lấp đầy chỗ trống.

Nga đã chặn truy cập Twitter và hai ứng dụng Facebook, Instagram của Meta từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tranh chấp dai dẳng giữa Nga và Big Tech leo thang thành cuộc chiến kiểm soát luồng thông tin tại đây.

Làn sóng rút lui của các hãng công nghệ phương Tây cùng lệnh cấm mạnh tay của nhà chức trách Nga đã mở ra cánh cửa cho những người chơi nội địa, trong đó, VK – tập đoàn đứng sau VKontakte, mạng xã hội phổ biến nhất trong nước – là lá cờ đầu. Ngày 30/5, công ty công bố hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp muốn “di cư” sang các nền tảng khác.

Được xem là câu trả lời của Nga trước Facebook, Vkontakte có hơn 50 triệu người dùng hàng ngày và tiếp cận 80% thuê bao Internet hàng tháng.

Trong khi đó, tính đến năm 2021, Facebook chỉ có 7,5 triệu người dùng tại Nga, theo ước tính của hãng nghiên cứu Insider Intelligence.

1 Co Hoi Tu Cuong Cong Nghe Cua Nguoi Nga Da Den

Một nhân viên của VKontakte tại trụ sở công ty ở Moscow, Nga. (Ảnh: Reuters)

Theo VKontakte, hơn 585.000 chủ doanh nghiệp mới đã tạo các cộng đồng riêng trên nền tảng trong tháng 3, từ các tiệm làm đầu cho tới cửa hàng quần áo. VKontakte cũng ghi nhận lượng hoạt động kỷ lục kể từ ngày 24/2. Công ty giám sát Brand Analytics chỉ ra nội dung trên mạng xã hội này tăng 11% trong khoảng thời gian từ 24/2 đến 24/3. Trong cùng kỳ, lượng nội dung tiếng Nga đăng trên Twitter, Facebook và Instagram lần lượt giảm 5%, 16% và 30%.

VKontakte kiếm tiền từ quảng cáo, hoa hồng của nhà phát triển ứng dụng và thanh toán của người dùng. Nền tảng đóng góp hơn 1/5 doanh thu 125,8 tỷ Rúp (1,5 tỷ USD) năm 2021 của VK. Các mảng kinh doanh khác của VK bao gồm cung cấp tên miền mail.ru, game MY.Games và công nghệ giáo dục.

Anton Gorelkin, một thành viên của Duma quốc gia Nga về thông tin và truyền thông, nhận xét: “Thị trường dịch vụ tương tác nội địa có cơ hội lớn để thể hiện tiềm năng của mình với khán giả”.

Vai trò của Gazprom

Theo Reuters, dù không có chính sách trực tiếp nhằm thay thế mạng xã hội ngoại, chính phủ Nga hứa hẹn ưu đãi thuế và các khoản cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, còn nhân viên có thể được hoãn nghĩa vụ quân sự. Chính trị gia cũng khuyến khích mọi người chuyển sang nhà cung cấp nội địa.

Chính phủ cũng có thể đóng vai trò không gián tiếp trong tương lai công nghệ nội địa thông qua hàng loạt khoản đầu tư phức tạp liên quan đến gã khổng lồ năng lượng Gazprom và bộ phận truyền thông của họ. Tháng 12/2021, Gazprom Media mua phần lớn quyền biểu quyết của VK. Cuối năm 2020, công ty này cũng mua lại RuTube , nền tảng video tương tự YouTube.

Hãng thông tấn Nga TASS cho biết số người dùng hàng tuần của RuTube tăng 5,5 lần vào đầu tháng 3. Con số có khả năng cao hơn nữa khi YouTube đang chịu sức ép lớn từ cơ quan quản lý viễn thông Nga Roskomnadzor và đối mặt số phận tương tự Facebook, Instagram, Twitter.

Dù vậy, theo các nhà phê bình, RuTube còn lâu mới cạnh tranh được với đứa con của Google. Tính đến cuối tháng 12/2021, người dùng không trùng lặp hàng tháng của RuTube là 17,7 triệu, thấp hơn nhiều 89,5 triệu người dùng YouTube tại Nga vào tháng 1/2022, theo Mediascope. Nó cũng thiếu các thuật toán gợi ý làm nên sự nổi tiếng của YouTube. Nhìn chung, RuTube không thể theo kịp đối thủ cả về chất lượng lẫn tốc độ dịch vụ.

VKontakte khẳng định tất cả sản phẩm đều trải qua quá trình “thử nghiệm khắt khe” trước khi ra mắt. Công ty đã cập nhật 230 lần để nâng cao trải nghiệm người dùng năm ngoái.

Những gương mặt mới

2 Co Hoi Tu Cuong Cong Nghe Cua Nguoi Nga Da Den

Giao diện Sadgram. (Ảnh: Reuters)

Gần đây, một số dịch vụ mới đã xuất hiện nhằm thay thế TikTok hay Instagram. Gazprom Media giới thiệu Yappy tháng 11/2021, cạnh tranh với TikTok. Từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, TikTok đã tạm dừng tính năng livestream và tải video mới tại Nga. Tính tới ngày 27/3, khoảng 3,2 triệu người Nga đã cài đặt Yappy, so với hơn 10 triệu của TikTok, theo hãng theo dõi ứng dụng Sensor Tower.

Rossgram, nền tảng tương tự Instagram cả về tên gọi, thiết kế lẫn màu sắc, dự kiến ra mắt tuần này, nhưng chưa thành công. Các nhà sáng lập mới chỉ đăng video về nguyên mẫu Rossgram.

Các nhà phát triển khác lại tung ra Grustnogram (hay Sadgram trong tiếng Anh), phiên bản đen trắng, u buồn cho người dùng Nga. Một chợ ứng dụng thay thế Google Play cũng đang được phát triển.

Một ứng dụng khác được các chính trị gia tích cực quảng bá thời gian này là Telegram. Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov cũng chính là bộ não đứng sau VKontakte. Telegram hiện có hơn 500 triệu người dùng toàn cầu và vô cùng phổ biến tại Nga với hơn 67 triệu người dùng. Nền tảng sẽ được hưởng lợi nếu mọi người rút khỏi WhatsApp. Cho tới nay, WhatsApp vẫn hoạt động bình thường ở đây.

Theo Reuters