Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) thông báo quyết định tạm ngừng cỗ máy gia tốc hạt lớn (LHC) bên dưới biên giới Pháp-Thụy Sĩ vì tuân thủ yêu cầu tiết kiệm điện của châu Âu theo sau chiến sự Ukraine.  

1 Co May Gia Toc Hat Lhc Tam Ngung Kham Pha Bi Mat Vu Tru Vi Thieu Dien

Bên trong đường hầm đặt cỗ máy gia tốc hạt khổng lồ

Hãng thông tấn RIA Novosti cho biết ngày 28.11 là hạn chót ngừng vận hành LHC trong giai đoạn mùa đông theo thông báo trước đó của CERN. Bất chấp sự gián đoạn này, tổ chức nghiên cứu châu Âu cho hay vẫn còn nhiều dữ liệu LHC đã thu thập và chờ được phân tích.

CERN tiêu thụ khoảng 200 MW từ lưới điện quốc gia Pháp trong giai đoạn hoạt động cao điểm hồi hè, tương đương 1/3 nhu cầu về điện của toàn thành phố Geneva. Tuy nhiên, khi ngừng hoạt động vào mùa đông, con số này còn khoảng 80 MW.

Mỗi năm, tổ chức khoa học châu Âu “ngốn” 1,3 TWh công suất điện cho việc vận hành cỗ máy đang giúp con người khám phá bí mật của vũ trụ.

Cỗ máy gia tốc hạt LHC chứa vòng nam châm siêu dẫn với chu vi 27km và cần được làm lạnh ở độ 0 tuyệt đối bằng helium lỏng nếu muốn điều khiển các hạt vật chất di chuyển ở tốc độ tiếp cận vận tốc ánh sáng bên trong đường hầm.

Cả mạng lưới nam châm và hệ thống làm lạnh đều tiêu thụ điện ở mức độ khủng khiếp. Máy gia tốc Super Proton Synchrotron (có chu vi 7 km) dùng để bơm hạt vào LHC là bộ phận ngốn năng lượng lớn thứ hai tại cơ sở khổng lồ bên dưới biên giới Pháp-Thụy Sĩ.

Thực thi yêu cầu cắt giảm điện trên toàn châu Âu vì khan hiếm điện, CERN quyết định tắt LHC sớm 2 tuần. Khi quay lại làm việc vào năm sau, cỗ máy sẽ được điều chỉnh để tiết kiệm 20% điện so với bình thường.

Châu Âu đang chìm vào cuộc khủng hoảng năng lượng, theo sau quyết định cắt đứt nguồn cung cấp từ Nga để trừng phạt Moscow về quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trước đó, Nga là nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch chủ yếu cho EU, theo Eurostat. Năm 2020, Nga cung cấp 29% lượng dầu thô và 43% khí đốt thiên nhiên cho châu Âu.

Thụy Miên

Nguồn: thanhnien.vn