Theo Reuters, một nhà thiết kế công nghiệp người Hàn Quốc đã đưa ra một giải pháp khá trào phúng cho các con nghiện smartphone, những người không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại dù đang đi trên đường. Vì cắt mặt vào điện thoại, họ không chú ý đến những chướng ngại vật như bức tường, cây cột…

Paeng Min-wook, nhà thiết kế 28 tuổi, đã phát triển một nhãn cầu robot được đặt tên là “Con mắt thứ 3”, có thể thay thế đôi mắt đã dán chặt vào màn hình điện thoại để quan sát đường đi và tránh được những tai nạn không đáng có.

1 Han Quoc Phat Trien Con Mat Thu 3 Danh Cho Nguoi Nghien Smartphone

Paeng Min-wook thử nghiệm “Con mắt thứ 3” trên đường phố Seoul. Ảnh: Reuters.

“Con mắt thứ 3” này sẽ mở để quan sát khi cảm nhận đầu của người dùng cúi xuống nhìn smartphone. Khi người dùng chỉ còn cách khoảng 1-2 m so với vật cản, thiết bị sẽ phát ra tiếng beep cảnh báo nguy hiểm trước mắt.

“Đây là diện mạo trong tương lai của loài người với 3 mắt”, Paeng, một nghiên cứu sinh khoa kỹ thuật thiết kế đổi mới của trường Đại học Nghệ thuật Hoàng gia London, cho biết khi mô phỏng lại cách hoạt động của “Con mắt thứ 3” xung quanh thành phố Seoul.

Theo Paeng, vì phần lớn người dùng không thể rời mắt khỏi chiếc điện thoại, nên con mắt thứ 3 sẽ có tác dụng trong tương lai.

Phát minh của Paeng sử dụng một cảm biến con quay hồi chuyển để đo góc nghiêng của cổ và cảm biến siêu âm để tính toán khoảng cách giữa con mắt và các chướng ngại vật. Cả 2 cảm biến đều được liên kết với một vi điều khiển bảng mạch đơn có mã nguồn mở và bộ pin.

Thử nghiệm của Paeng trên đường phố Seoul đã thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường.

“Tôi thấy anh ấy trông giống người ngoài hành tinh với con mắt trên trán. Ngày nay, có nhiều người trẻ có thể bị tai nạn khi đang dùng điện thoại. Công nghệ này sẽ giúp ích cho họ”, anh Lee Ok-jo, một cư dân sống tại thành phố Seoul cho biết.

Theo Reuters, Paeng cho biết nhãn cầu robot có ý nghĩa như một lời cảnh báo, không phải một giải pháp thực tế đối với những người nghiện smartphone đến nỗi không chú ý họ đang đi đâu.

“Bằng cách trình bày giải pháp mang tính châm biếm này, tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra mức độ nghiêm trọng khi nghiện điện thoại và tự nhìn nhận lại bản thân mình”, Paeng nói.

Theo Zing