Xin chữ, cho chữ là một nét đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc. Phong hiệu, ban sắc cũng là hình thái tương tự, nhưng khác ở chỗ tâm thế người ban và tầm vóc của người được nhận.
Thường thì những người được phong hiệu phải là những người tài năng, đức độ, và có công trạng đối với xã hội. Khi ấy họ được người đứng đầu quốc gia hoặc nhân dân phong tặng để ghi tạc công lao, tỏ lòng tri ân.
Nhìn lại lịch sử, Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, sau khi qua đời, ông được nhân dân suy tôn thành Đức Thánh Trần (德聖陳) hay còn gọi là Cửu Thiên Vũ Đế (九天武帝). Và Nguyễn Trãi được Vua Lê Thánh Tông phong tặng “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (抑齋心上光奎藻) để ngợi ca tấm lòng và văn chương ông trung trinh, sáng tỏ.
Lâu lắm rồi, suốt mấy trăm năm, quá một phần hai thiên niên kỷ, nay chúng ta mới được chứng kiến lại một sự phong tặng chữ nghĩa. Thật là hoan hỉ, vì điều ấy khiến chúng ta hoài niệm và như được sống lại trong những cảm xúc của người xưa.
Đó là 4 chữ Quốc Trung Hiền Sĩ (国中賢士) mà Đại học Luật Hà Nội trịnh trọng dành cho sư Thích Chân Quang.
Tạm hiểu nghĩa là: Người Tài Đức ở đất nước này/ Bậc hiền tài của quốc gia.
Bốn chữ này ý nghĩa quá! Sâu sắc quá! Xưa nay đất Việt đã sản sinh ra biết bao hào kiệt, học sĩ làm rạng danh nước nhà, vậy mà có ai được xứng hơn sư Chân Quang đâu ?
Sư Quang là một người đa tài ai cũng biết.
Sư có thể gảy Guitar, múa võ và dạy cả tiếng Anh. Những video đăng lên cho thấy sư là một tu sĩ hiếm có của đất nước. Tuy sư đa tài thật nhưng có lẽ 4 chữ trên không dành cho những tài ấy. Vì chơi đàn như thế thì chưa thể gọi là tài, chỉ đủ đàn ca những lúc trà dư tửu hậu; múa võ như thể chỉ để tạo dáng trình diễn cho vui, chứ không đủ lực mà thực chiến; và tiếng Anh như thế cũng chỉ để khi thầy giảng pháp lại chêm xen thêm mấy từ cho sang.
Như vậy, Quốc Trung Hiền Sĩ, đích thị là dành cho việc học hành đỗ đạt thần tốc, vèo một phát từ Cử nhân hóa thành Tiến sĩ. Quả là thầy có một năng lực siêu phàm thì mới có thể tạo ra tốc độ kinh ngạc đến như vậy, chỉ kém hơn Quang Trung dẫn binh đại phá quân Thanh đôi chút mà thôi!
Nhưng trớ trêu thay, cái tài ấy của thầy nay đã lung lay.
Thiệt đúng, ông bà xưa dạy cấm sai: dục tốc bất đạt, chưa học bò chớ lo học chạy. Thầy học nhanh quá, siêu quá khiến nhiều người “đố kị”, vì họ giỏi hơn thầy mà cũng chẳng thể làm được.
Giờ tất cả đang trông chờ vào công lý, công đạo để trả lại sự trong sáng, trung thực cho thầy. Tới giờ này tôi vẫn tin thầy ngoài là một hành giả, còn là một Học Giả với Bằng Thật.
Như trên đã giải nghĩa, chữ Hiền trong Hiền Sĩ, không chỉ là Tài mà còn cả Đức.
Vậy, đức hạnh, phẩm cách của thầy thì sao? Thầy vẫn xứng với công phu tu tập bấy nhiêu năm. Nhưng đôi khi cũng phải có sai chút chứ, là con người mà, và nay thầy cũng đang bị chịu phạt nhập thất và cấm giảng rồi.
Hốt nhiên, lo lắng cho số phận của tấm bảng ban danh này!
———-
Nha Trang, 25/06/2024
Nguyễn Thanh Huy