Trả lời VnExpress ngày 5/2, Sở Giáo dục bang này cho biết đưa ra quyết định sau khi xem xét quê quán của một số ít học sinh rời nhà trọ mà không được phép.
"Quyết định này phù hợp với đạo luật về Dịch vụ giáo dục dành cho du học sinh, nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ thống thị thực Australia", người phát ngôn Sở Giáo dục nói, cho biết các đơn đăng ký khác từ Việt Nam vẫn được xem xét bình thường.
Trước đó, đầu tháng 1, một học sinh Việt tên Sunnie Nguyen, 17 tuổi, được chủ nhà thông báo mất tích sau bữa tối cùng balo, quần áo, laptop và giấy tờ tùy thân. Điện thoại của Sunnie tắt máy, các tài khoản trên mạng xã hội ngừng hoạt động. Theo mô tả, nữ sinh nhút nhát và chưa giao tiếp tiếng Anh tốt. Sunnie là trường hợp thứ tư, sau khi ba du học sinh Việt khác ở Nam Australia biến mất từ tháng 12/2023.
Theo nhà chức trách, đến nay, không có thông tin hoặc bằng chứng nào cho thấy bốn học sinh gặp nguy hiểm và họ "dường như chủ động lẩn trốn chính quyền".
"Nhiều nỗ lực liên lạc với gia đình du học sinh đã được thực hiện. Các gia đình không chia sẻ bất kỳ mối lo ngại nào", trích thông báo của bộ phận Dịch vụ giáo dục quốc tế, Sở Giáo dục Nam Australia.
Sự việc đã được báo cáo Bộ Nội vụ nước này. Công an đang làm việc với các cơ quan để xác định vị trí, cũng như đảm bảo phúc lợi cho các du học sinh.
Sunnie Nguyen, 17 tuổi, được báo cáo mất tích tại Adelaide, thủ phủ Nam Australia. Ảnh: DM
Ông Nguyễn Đức Quyết, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn du học và di trú Rightway, nói nhận được tin từ Sở Giáo dục Nam Australia cách đây vài ngày. Mười năm qua, ông tư vấn hồ sơ cho nhiều học sinh phổ thông Việt Nam nhưng chưa bao giờ thấy một quyết định mạnh tay như vậy từ Sở Giáo dục.
"Vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh có nguyện vọng du học hệ phổ thông ở ba tỉnh trên", ông Quyết nói. Ông lý giải, Sở Giáo dục Nam Australia quản lý tất cả trường phổ thông công lập, từ lớp 1 tới 12. Trong hồ sơ xin visa vào Australia, du học sinh phải có thư mời của một trường học ở đây. Với quyết định này, kể cả có người thân đủ điều kiện giám hộ ở Nam Australia bảo lãnh, những học sinh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng không xin được thư mời nhập học, cho đến khi có thông báo mới. Theo ông Quyết, học sinh đăng ký các chương trình khác ngoài hệ phổ thông không bị ảnh hưởng.
Tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 du học sinh Việt ở Australia, xếp thứ 6 về số sinh viên quốc tế, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines. Số này bao gồm sinh viên hệ phổ thông, đại học, cao đẳng, các chương trình học nghề hay tiếng Anh.
Sở Giáo dục Nam Australia cho hay bang này triển khai chương trình giáo dục quốc tế từ năm 1989. Du học sinh Việt Nam là một trong những nhóm đông nhất.
Để làm hồ sơ xin thị thực du học Australia (visa 500), học sinh được yêu cầu có thư mời của trường, đóng bảo hiểm y tế, có tờ khai chấp thuận từ bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi), thư giải trình về mục đích học tập và khả năng ở lại hay rời đi sau khi học xong, cùng một số giấy tờ khác. Khi thay đổi chỗ ở, du học sinh phải khai báo địa chỉ mới trong 7 ngày, nếu không sẽ bị hủy thị thực.
Doãn Hùng
Nguồn: VNEXPRESS.NET