Điện thoại vừa rung, chị Hải nhìn vội vào màn hình. Thấy khoản tiền thưởng Tết công ty vừa chuyển, nữ nhân viên kế toán vội gọi luôn cho tiệm tóc quen đặt lịch và chấp nhận làm lúc đêm muộn.

Do ảnh hưởng kinh tế khó khăn chung nên việc thưởng Tết trở thành chủ đề nóng được người lao động quan tâm. Chị Thúy Hà, nữ nhân viên 26 tuổi thuộc phòng marketing của một công ty quảng cáo có trụ sở tại TPHCM thừa nhận những ngày này đi làm chỉ ngóng chờ đồng nghiệp bàn tán thưởng Tết ra sao.

"Tôi mới chuyển sang công ty này hơn một năm nên vẫn được coi là lính mới. Công ty có quy định về việc nhân viên càng có thâm niên cao, mức thưởng sẽ tốt hơn. Năm nay thấy phòng kế toán nói tình hình tài chính khó khăn nên việc nhận thưởng sẽ trễ hơn mọi năm.

Biết rõ như vậy nhưng từ đầu tháng 2, tôi đi làm nhưng đầu óc lơ đễnh, dự kiến xem nhận được khoản bao nhiêu. Chưa có tiền nhưng tôi đã liệt kê rất rõ các khoản chi tiêu, biếu bố mẹ thế nào, mua sắm thực phẩm Tết và làm đẹp ra sao", chị Hà nói.

1 Nhan Thuong Tet Chi Em Chay Dua Giai Ngan Mua Sam Lam Dep Ke Tac DuongNgay sau khi nhận thưởng Tết, chị Hải vội đi làm tóc lúc tối và 23h mới về tới nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cùng chung tâm trạng với chị Hà, chị Phạm Thúy Hải, nữ nhân viên kế toán của một công ty xây dựng tại Hà Nội, cũng bồn chồn về khoản thưởng Tết. Mọi năm công ty phát thưởng vào 23 Âm lịch (2/2), nhưng năm nay Ban giám đốc cho biết nhân viên có thể nhận muộn hơn. Rất muốn đi làm tóc sớm để có diện mạo xinh đẹp đón năm mới, nhưng chị Hải phải "dằn lòng" chờ thưởng Tết mới dám đi làm đẹp.

"Thưởng Tết năm nay giảm hẳn so với năm ngoái nên tôi buộc phải thắt chặt chi tiêu. Bình thường tôi sẽ uốn, nhuộm, cắt, hấp để tự thưởng cho mình một diện mạo mới. Chi phí khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay tôi chỉ nhuộm và cắt, giới hạn trong khoảng 1 triệu đồng", chị Hải nói.

2 Nhan Thuong Tet Chi Em Chay Dua Giai Ngan Mua Sam Lam Dep Ke Tac DuongPhương tiện đỗ tràn ra lòng đường tại một cửa hàng thời trang trên phố Cầu Giấy ngày giáp Tết (Ảnh: Thanh Thúy).

Cũng theo nữ nhân viên kế toán này, nhiều bạn bè của chị cũng ở trong tâm thế chờ có thưởng Tết mới quyết định làm tóc, mua sắm quần áo mới. Nếu thưởng nhiều thì họ sẽ chi tiêu thoải mái hơn một chút nhưng nếu thưởng ít thì sẽ tiết kiệm để phù hợp với kinh tế gia đình.

Đầu giờ chiều 5/2, khi điện thoại vừa kêu hai tiếng "ting ting", chị Hải nhìn vội vào màn hình. Thấy khoản tiền thưởng Tết công ty vừa chuyển, nữ nhân viên kế toán vội gọi luôn cho tiệm tóc quen đặt lịch và chấp nhận làm lúc đêm muộn. Làm tóc ngày cận Tết nên chị Hải phải chờ đợi nhiều tiếng mới tới lượt và làm lúc đêm muộn. Dù chỉ nhuộm và cắt tóc nhưng phải tới 23h chị mới về được đến nhà.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại các tuyến phố "thời trang" tại Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, vào tầm giờ nghỉ trưa thu hút rất đông nhân viên văn phòng tới tranh thủ mua sắm đồ mặc Tết. Bên trong một số cửa tiệm quần áo, giày dép, khách phải đợi 5-10 phút mới tới lượt thanh toán.

3 Nhan Thuong Tet Chi Em Chay Dua Giai Ngan Mua Sam Lam Dep Ke Tac DuongChị em dân văn phòng và sinh viên tranh thủ buổi trưa tới mua sắm giày dép tại phố Chùa Bộc (Ảnh: Việt Hà).

"Tôi vừa nhận khoản thưởng Tết nên đi giải ngân luôn cho nóng. Năm nay thưởng Tết trễ quá nhưng may vẫn ở mức ổn định không thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Tôi dự kiến chi 3 triệu đồng mua một bộ áo dài mặc ngày mồng 1 cùng một bộ váy mới diện ngày mồng 3 lúc họp lớp; 2 triệu đồng đi làm tóc. Số còn lại tôi sẽ gửi biếu bố mẹ, mua phụ thêm thực phẩm Tết và để dành khoản tiết kiệm nhỏ", chị Mai Linh, 24 tuổi, đang chọn đôi giày mới trên phố Chùa Bộc, nói.

Một nhân viên bán quần áo trên phố Tôn Đức Thắng cho biết cả nhóm làm xuyên trưa, 14h mới kịp ăn sáng và trưa. Toàn bộ mặt hàng đều áp dụng giảm giá ngay cả với những bộ sưu tập mới để cửa hàng nhanh thu hồi vốn trước Tết. Dù mệt nhưng các nhân viên rất hồ hởi vì biết sẽ nhận thêm khoản thưởng tương xứng vào ngày làm việc cuối cùng của năm.

4 Nhan Thuong Tet Chi Em Chay Dua Giai Ngan Mua Sam Lam Dep Ke Tac DuongMột số khách phải đợi 5-10 phút mới tới lượt thanh toán (Ảnh: Việt Hà).

Càng sát Tết, lượng phương tiện đổ ra đường tăng cao do nhu cầu người dân mua sắm, chúc Tết lớn dẫn tới ùn tắc kéo dài tại nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội suốt từ sáng tới tối.

Biết sẽ tắc cứng trên đường nhưng chị Ngô Thùy Linh vẫn quyết đi vì "không lúc này sẽ chẳng còn lúc nào".

Chủ nhật cuối cùng trong năm, chị Linh chờ 2 tiếng nhưng không tới lượt tại một cửa tiệm cắt tóc trên phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Vừa nhận được tiền thưởng, lại quyết tâm có tóc đẹp đón Tết, chị Linh xin nghỉ phép vào thứ 2 (5/2) vì nghĩ chẳng ai nghỉ ngày này.

""Tuy nhiên, từ 8h cửa hàng đã kín chỗ. Hóa ra có nhiều chị em làm tự do, sinh viên, người buôn bán… cũng đổ xô đi làm tóc dịp này. Tôi may mắn vì đã đặt lịch từ hôm trước nên được trong tốp làm đầu tiên", chị Linh kể.

Sau gần 7 tiếng, trải qua các công đoạn uốn, nhuộm, hấp, cắt, chị Linh cũng có được mái tóc dài bồng bềnh sóng lơi.

5 Nhan Thuong Tet Chi Em Chay Dua Giai Ngan Mua Sam Lam Dep Ke Tac Duong

Nhiều chị em có tâm lý đợi có thưởng Tết và chọn sát ngày mới làm tóc nên các cửa tiệm thường chật cứng trong ngày này (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Phạm Văn Luân (chủ một cửa hàng tóc ở Nam Định) cho hay, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cuối năm, các chị em phụ nữ sẽ đầu tư chăm chút cho mái tóc của mình. Nhiều người có tâm lý đợi thưởng và chờ đến sát Tết mới đổ xô đi làm đẹp khiến các cửa hàng luôn quá tải.

"Có nhiều chị em tóc rất đẹp, chúng tôi chỉ cắt tỉa một chút là vào phom dáng. Tôi khuyên họ không nên làm hóa chất, tuy nhiên nhiều người vẫn nhất quyết muốn làm với yêu cầu "làm gì thì làm miễn đẹp là được", anh Luân bật cười kể.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí