Dù vậy, ngày 6-1 sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một trong những ngày đen tối nhất khi đám đông người ủng hộ quá khích của ông Trump đã tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ (Đồi Capitol).
Đối với người dân Mỹ, đó chính là sự tấn công vào các giá trị dân chủ Mỹ và nơi thể hiện ý chí tập thể của người dân Mỹ.
Quốc hội Mỹ rạng sáng 7-1 đã xác nhận ông Biden đắc cử tổng thống – Ảnh: Reuters
Giọt nước tràn ly
Sau nhiều lần thất vọng với các kết quả pháp lý đòi lật đổ kết quả bầu cử, ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu trước đám đông quá khích tụ tập trước Đồi Capitol rằng ông đã bị đánh cắp chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Lời tuyên bố của ông Trump được cho đã kích động đám đông tràn vào tòa nhà Quốc hội, gây náo loạn trong lúc lưỡng viện đang chứng nhận phiếu bầu cử tri đoàn.
Đây là giọt nước tràn ly, thậm chí đối với các đồng minh thân cận nhất của ông Trump như Phó tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mike Pence và lãnh đạo phái đa số tại Thượng viện Mitch McConnell của Đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell tuyên bố: “Chúng ta không thể thay đổi lựa chọn của cử tri”, còn ông Mike Pence nhấn mạnh rằng: “Bạo lực không bao giờ chiến thắng. Đây là Ngôi nhà của nhân dân”.
Bốn năm trước, Tổng thống Trump khi mới nhậm chức đã cam kết sẽ “tháo nước đầm lầy” ở thủ đô Washington nhằm làm sạch nền chính trị già cỗi, với các chính trị gia bị cáo buộc quan liêu, cấu kết với các đại doanh nghiệp, bỏ lơ người dân bình thường. Tuy nhiên, trong các nỗ lực vô vọng của mình khi muốn tái cử, ông Trump đã đi quá xa với việc sử dụng các biện pháp ngoài các trình tự pháp lý để đòi lật đổ kết quả bầu cử.
Ông Trump đã bị cáo buộc gọi điện thoại gây áp lực cho viên chức bang Georgia tăng số phiếu phổ thông đủ để ông vượt qua ông Biden, giành 16 phiếu đại cử tri của bang này. Khi các thiết chế chính trị Mỹ nhiều lần bác bỏ các cáo buộc không đầy đủ bằng chứng của ông Trump và nhóm pháp lý về gian lận bầu cử thì tổng thống Mỹ quay sang lực lượng cử tri trung thành, vốn không tin tưởng vào các thiết chế chính trị, nhằm có thể thay đổi kết quả.
Tuy nhiên, đây không phải là cách ông Trump kết thúc nhiệm kỳ của mình mà các thành viên Đảng Cộng hòa mong muốn. Các thành viên Đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều tự hào vào những giá trị dân chủ, thiết chế luật pháp dựa trên tính minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như kiềm chế và đối trọng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp trong chính quyền.
Những hành động của ông Trump đã gây hại nhiều cho Đảng Cộng hòa trong thời gian qua và gây ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng giành ảnh hưởng chính trị ở cơ quan lập pháp. Hai thượng nghị sĩ đương nhiệm David Perdue và Kelly Loeffler của bang Georgia vừa thua ghế trong cuộc bầu cử tay đôi đối với 2 ứng cử viên từ Đảng Dân chủ Jon Ossoff và Raphael Warnock ngày 5-1 vừa rồi, khiến Thượng viện rơi vào tay Đảng Dân chủ.
Ít nhất trong hai năm đầu tiên nhiệm kỳ của mình, tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có nhiều lợi thế thông qua các chính sách của mình khi không còn gặp trở ngại từ Quốc hội.
Chủ tịch Thượng viện Mike Pence (trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi làm việc xuyên đêm đến rạng sáng 7-1 (giờ Mỹ) để chứng nhận phiếu cử tri đoàn, sau khi phiên họp bị gián đoạn bởi những người biểu tình quá khích ủng hộ ông Trump – Ảnh: Reuters
Cần hàn gắn hơn bao giờ hết
Chúng ta có thể dự đoán trong tương lai ngắn hạn rằng sự chuyển dịch cũng như phân hóa mạnh mẽ diễn ra ngay trong lòng Đảng Cộng hòa giữa các chính trị gia thân ông Trump như Ted Cruz, Josh Hawley và các chính trị gia ôn hòa hơn như thượng nghị sĩ Mitt Romney.
Nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã thay đổi quan điểm, từ ủng hộ ông Trump nhanh chóng chuyển sang ủng hộ việc chứng thực phiếu đại cử tri cho chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden khi chứng kiến cuộc đập phá Đồi Capitol.
Thậm chí thượng nghị sĩ Mitt Romney của Đảng Cộng hòa từng là ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đã chỉ đích danh Tổng thống Trump là tác nhân: “Những gì xảy ra hôm nay là một cuộc nổi loạn, được kích động bởi tổng thống”.
Đây cũng sẽ là một cơ hội cho các chính trị gia Đảng Dân chủ có khuynh hướng trung dung, tránh những biện pháp cải cách cực đoan có ưu thế lớn trong các cuộc bầu cử hành pháp và lập pháp sắp tới khi số cử tri dao động vốn ủng hộ Đảng Cộng hòa có thể sẽ “nhảy tàu”.
Do đó, nếu Đảng Cộng hòa muốn thay đổi cán cân trong chính trường Mỹ vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2022 thì các thành viên Đảng Cộng hòa buộc phải tính toán lại quan điểm của mình để thu hút thêm các cử tri trung dung, cũng như các cử tri đang rời bỏ Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vừa qua.
Các chính trị gia Đảng Cộng hòa từng thân thiết với Tổng thống Trump phải có các quyết định độc lập hơn để tránh ảnh hưởng tới sinh mệnh chính trị của mình trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sự phân hóa rõ rệt vẫn ẩn sâu trong lòng nước Mỹ khi vẫn còn đó nhóm cử tri quá khích trung thành, tin tưởng Tổng thống Trump, nhưng thật ra là họ tin vào các giá trị mà Tổng thống Trump khuyến khích trong thời gian qua như các thiết chế dân chủ của nước Mỹ đang gặp vấn đề và đầy rẫy gian lận. Vấn đề này không hoàn toàn dễ dàng cho chính quyền Biden-Harris giải quyết trong thời gian sắp tới.
Cơn đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự phân hóa sâu sắc của nước Mỹ không chỉ ở mặt kinh tế khi các ông chủ của các công ty công nghệ ngày càng giàu thêm, còn người dân bình thường vẫn vật lộn với các gói trợ cấp thất nghiệp, mà sự phân hóa về mặt xã hội, sắc tộc cũng như chính trị vốn nhiều căng thẳng trong thời gian qua dưới thời Tổng thống Trump.
Bây giờ là lúc nước Mỹ cần hàn gắn hơn bao giờ hết. Chính sách không chỉ nên dành cho một nhóm người.
Người biểu tình quá khích tràn vào Đồi Capitol ngày 6-1 – Ảnh: AFP
Đồi Capitol “thất thủ” qua con số
Đồi Capitol “thất thủ” qua các con sốBốn người biểu tình đã chết sau khi cùng dòng người tràn vào tòa nhà Quốc hội ngày 6-1, theo cảnh sát Washington D.C. Trong số này, 1 người bị bắn chết, 3 người tử vong trong tình trạng “y tế khẩn cấp”. Ngoài ra, 52 người đã bị bắt vì hành vi bạo lực.
Năm quan chức Nhà Trắng từ chức để phản đối bạo loạn, bao gồm: ông Matt Pottinger (phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ), bà Stephanie Grisham (chánh văn phòng đương nhiệm của Đệ nhất phu nhân Melania Trump), bà Sarah Matthews (phó thư ký báo chí Nhà Trắng), bà Anna Cristina “Rickie” Niceta (thư ký các vấn đề xã hội của Đệ nhất phu nhân Melania Trump), ông Ryan Tully (giám đốc cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ về các vấn đề châu Âu và Nga).
Những người biểu tình bạo loạn xâm nhập Đồi Capitol và phá tan hoang phòng làm việc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, sau đó để lại dòng chữ “Chúng tôi sẽ không lùi bước”. Văn phòng làm việc của các nghị sĩ khác cũng bị phá. Thống kê vật chất chưa được xác định.
NGUYÊN HẠNH
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM)