Trong không khí Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều gia đình ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, thường chuẩn bị mua quýt. Quýt được xem là loại trái cây có ý nghĩa đặc biệt, dùng để trang trí nhà cửa và là món ăn vặt hấp dẫn.

1 Qua Quyt Trong Van Hoa Phuong Dong   Mon Qua Tet May Man

Một cơ sở bán quýt ở Nam Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Việc quả quýt phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán ở nhiều nước châu Á đã có lịch sử lâu đời, theo tạp chí danh tiếng Times.

Từ thời nhà Thanh, các bậc cha mẹ người Trung Quốc đã bày những trái cây như quýt, vải thiều hoặc hồng bên gối của con cái họ, cùng với những phong bao lì xì màu đỏ đựng tiền để xua đuổi ma quỷ theo quan niệm dân gian. Khi thức dậy vào buổi sáng, trẻ em trong gia đình sẽ ăn những trái cây này.

Có nhiều cách giải thích cho việc quả quýt được coi là biểu tượng may mắn, một phần là xuất phát từ việc phát âm, theo tạp chí Time. Có ý kiến cho rằng, cách phát âm tiếng Quan thoại từ trái cây (ju) nghe giống từ “chúc may mắn” (ji)...

Người Trung Quốc nổi tiếng với việc “nói chuyện may mắn” trong dịp Tết Nguyên đán để cho cả năm may mắn.

Các loại trái cây khác được coi là tốt lành trong văn hóa Trung Quốc bao gồm táo - một từ đồng âm với “an toàn” và vải thiều - đồng âm với “lợi nhuận” - dù cả 2 loại trái cây này đều không phổ biến như quýt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ý nghĩa tốt lành trong tên gọi, màu vàng cam và hình dạng tròn của quả quýt cũng được nhiều người coi là biểu tượng của may mắn.

Ngày nay, quýt vẫn là một loại trái cây phổ biến, khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua được những loại quýt chất lượng cao. Năm 2020, một thùng quýt satsuma ở Nhật Bản được bán đấu giá với giá gần 10.000 USD.

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua quýt tăng lên khiến mặt hàng này thường tăng giá và khan hiếm.

Ở phía nam Trung Quốc, người dân thường tặng quýt vào dịp Tết Nguyên đán. Phong tục này đã lan sang các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Indonesia - những nơi có số lượng lớn người gốc Hoa.

Những quả quýt thường được tặng theo số chẵn, với ý nghĩa chúc tốt lành. Những quả quýt còn cả cuống và lá mang ý nghĩa biểu tượng về sống thọ và sinh sôi.

Ở Nhật Bản, vào dịp Tết Nguyên đán, quả quýt thường được đặt lên trên bánh kagami mochi - loại bánh gồm 2 chiếc bánh gạo tròn xếp chồng lên nhau. Theo truyền thống, quả đặt trên bánh kagami mochi là daidai nhưng thường được thay bằng mikan - một loại quýt ngọt hơn.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, quả quýt không gắn liền với Tết Nguyên đán Seollal như các nước láng giềng. Tuy nhiên, tình yêu của đất nước này với quả quýt vẫn tồn tại lâu đời. Quả quýt thường gắn với sự sang trọng, được mua làm quà tặng và được thưởng thức quanh năm.

Nguồn: Báo Lao động