Theo chị Thảo, chi tiêu ở ngoại thành và nội thành tương đương nhau, nếu rẻ cũng chỉ rẻ hơn được 2-3 triệu đồng. Hà Nội đắt đỏ nhất nước nên dù ở đâu thì nhiều mặt hàng, dịch vụ giá vẫn cao.

"Ở ngoại thành chỉ rẻ hơn 2-3 triệu đồng"

Chị Nguyễn Thu Thảo (36 tuổi) sinh sống tại Quốc Oai, huyện ngoại thành cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35km nhưng hàng ngày lại đi làm ở một công ty trong nội thành.

Chị Thảo thường mua sắm các đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm cho gia đình ở cả hai nơi. Vì vậy, chị có thể nhận ra sự chênh lệch giá cả tiêu dùng ở nơi mình sinh sống với nội đô.

Gia đình chị Thảo có 3 thành viên gồm 2 vợ chồng và con gái 1 tuổi. Trung bình, mỗi ngày tiền ăn của cả gia đình là khoảng 200.000 đồng, tổng cộng một tháng 6 triệu đồng. Số tiền này chưa bao gồm tiền ăn vặt, tiền mua sữa cho con.

1 Tranh Cai Chi Tieu O Ngoai Thanh Ha Noi Dat Do Khong Kem Noi Thanh

Nhiều loại rau, quả theo mùa ở các phiên chợ quê có giá phải chăng (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo chị Thảo, giá cả nhiều loại thức ăn ở ngoại thành thực chất không hề rẻ. Về cơ bản, thịt cá ở khu vực chị sinh sống vẫn ngang tầm giá ở siêu thị trong nội thành.

Ví dụ thịt lợn dao động từ 120.000-150.0000 đồng/kg tùy loại, cá trắm cắt khúc 85.000-90.000 đồng/kg, thịt bò, bê cũng ở mức từ 250.000 -280.000 đồng.

Những thực phẩm có giá rẻ là các loại rau trồng tại quê như rau muống, mùng tơi, rau đay, rau ngót, rau gia vị, một số loại tôm tép đồng. Các loại rau này đa số được các gia đình tự trồng hoặc xin được nên không mất tiền mua.

Các loại phải lấy từ nơi khác như cà chua, củ cải, cà rốt, khoai tây... giá cũng tương đương siêu thị, khoảng 20.000-40.000 đồng/kg.

Trước đây, chị Thảo từng sinh sống ở nội thành gần 5 năm. Khi chuyển cả gia đình về quê sinh sống, chị cứ ngỡ sẽ tiết kiệm được nhiều.

"Tuy nhiên, qua mấy năm, tôi nhận ra, chi tiêu ở ngoại thành và nội thành tương đương nhau, nếu rẻ cũng chỉ rẻ hơn được 2-3 triệu đồng. Hà Nội đắt đỏ nhất nước nên đương nhiên dù ở nội thành hay ngoại thành thì nhiều mặt hàng, dịch vụ giá vẫn cao", chị Thảo nói.

Đồng tình với quan điểm này, chị Trần Hải Yến (sinh sống ở huyện Gia Lâm) cho hay, gia đình chị được mẹ đẻ hỗ trợ rất nhiều về nguồn thực phẩm như gạo, thịt lợn, rau củ quả. Tuy nhiên, chi tiêu một tháng của cả nhà cũng luôn ở mức 23-25 triệu đồng gồm tiền ăn và các chi phí khác.

Vợ chồng chị Yến có một con gái 6 tuổi học trường công. Tiền học tại trường, học thêm một tháng của bé khoảng 2,3 triệu đồng. Mấy tháng nay, chị Yến. mang bầu bé thứ hai nên coi như nuôi thêm một bé.

2 Tranh Cai Chi Tieu O Ngoai Thanh Ha Noi Dat Do Khong Kem Noi Thanh

Các loại thịt, cá to ở nơi chị Thảo sinh sống có giá tương đương ở nội thành (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhiều khoản chi phí vì thế phát sinh như tiền siêu âm, mua thuốc bổ, thăm khám định kỳ… Tất cả những dịch vụ này theo chị tìm hiểu cũng có giá tương đương nội đô, có một số dịch vụ rẻ hơn nhưng không đáng kể.

Cũng sinh sống tại huyện Gia Lâm, chị Nguyễn Thị Bình cho biết, gia đình chị không phải thuê nhà, hàng tháng chi phí cố định và tiền ăn đã rơi vào khoảng 17 triệu đồng. Nếu tháng nào phát sinh thêm ốm đau, hiếu hỉ mua sắm tổng chi phí lên tới trên 20 triệu đồng.

"Nhà tôi có 2 vợ chồng, 1 bé 5 tuổi, 1 bé 3 tuổi, tôi đang mang bầu bé thứ 3 nên hàng tháng thêm tiền thăm khám, vitamin các loại khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng. Ông bà nội ngoại đều vẫn trẻ và có thu nhập nên vợ chồng tôi chưa cần đỡ đần gì nhiều", chị Bình cho hay.

Sinh sống ở thị xã Sơn Tây, cách nội thành Hà Nội khoảng 40km, bà Phạm Thị Minh (50 tuổi) chia sẻ, gia đình bà chi tiêu một tháng hết khoảng 13 triệu đồng trong đó riêng tiền ăn là khoảng 6-7 triệu đồng. Các khoản còn lại là tiền điện nước, tiền học của các con, xăng xe đi lại…

"Các loại thức ăn chính như thịt gà, thịt bò, cá to thì giá thành tương đương nội đô. Tuy nhiên, các loại hoa trái theo mùa, rau xanh thì rất rẻ", bà Minh cho hay.

Đất đai thu hẹp, thứ gì cũng phải mua nên thấy đắt

Từ một xã nằm cuối huyện, mấy năm gần đây, vùng quê Thạch Hòa (Thạch Thất) "chẳng khác gì phố" khi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, dân cư đông đúc, đường đi lối lại thênh thang, nhiều dịch vụ phát triển.

Vùng quê này thay da đổi thịt là nhờ sự xuất hiện của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các quy hoạch liên quan đến việc xây dựng thành phố mới của Hà Nội. Những thay đổi này kéo theo sự thay đổi về chi tiêu sinh hoạt của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hà, xã Thạch Hòa cho biết, chi phí sinh hoạt ở nơi bà sống đắt đỏ hơn nhiều. Trước đây, gia đình bà Hà không khi nào phải mua gạo vì đã tự trồng được lúa.

Họ cũng trồng được rau, nuôi được gà… Hàng ngày, họ chỉ cần mua thêm chút thức ăn. Tuy nhiên, do phải thay đổi chỗ ở theo quy hoạch, cả gia đình sinh sống trên mảnh đất 200m2, không còn đất canh tác nên mọi thực phẩm họ đều phải bỏ tiền mua.

"Thịt lợn có giá từ 110.000 đến 150.000/kg. Tiền điện cả nhà mỗi tháng 1,2 triệu đồng vì thắp sáng, quạt mát hay nấu nướng đều phải dùng đến điện. Nói chung giá sinh hoạt ở chỗ tôi có thể rẻ hơn nội đô nhưng đắt hơn nhiều vùng quê khác tại Hà Nội", bà Hà nói.

3 Tranh Cai Chi Tieu O Ngoai Thanh Ha Noi Dat Do Khong Kem Noi Thanh

Theo bà Hà, khi chuyển về khu ở mới, nhiều khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình bà tăng hơn trước (Ảnh: Hồng Anh).

Chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi nguồn thu gia đình không ổn định như trước. Mỗi tháng bà Hà phải xoay xở đủ kiểu mới giới hạn mức chi tiêu quanh mức 10-12 triệu đồng cho cả 7 gia đình. Số tiền này vừa bằng mức lương đi làm thuê của hai ông bà.

Trên một số hội nhóm về tiêu dùng, nhiều bà nội trợ cũng chia sẻ mức chi tiêu của gia đình. Nhiều người cho rằng, do Hà Nội là địa phương đắt đỏ nhất cả nước nên dù ở ngoại thành, nhiều gia đình cũng không tiết kiệm được nhiều.

Tuy nhiên, không ít người nêu quan điểm, ở ngoại thành, các gia đình sẽ có cơ hội vun vén chi tiêu tốt hơn.

Bà Minh cho hay, gia đình bà trồng thêm rau, nuôi thêm gà để giảm bớt áp lực chi tiêu, mua sắm. Tại các phiên chợ quê, nhiều đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm có giá phải chăng.

Còn với chị Thảo, nhờ đất ở quê rộng rãi nên chị tận dụng những khoảng đất trống của nhà để trồng rau. Thi thoảng chị được bố mẹ, hàng xóm cho hoa quả nhà trồng nên cũng tiết kiệm được rất nhiều tiền cho khoản này.

Sống ở quê, chị có thói quen đi chợ sớm để mua được những loại thực phẩm tươi ngon với giá tốt.

Theo chị Thảo, điều quan trọng nhất để quản lý tài chính gia đình là phải biết vun vén, chi tiêu hợp lý. Nếu chi tiêu vào những khoản không thực sự cần thiết thì dù ở quê hay thành phố thì cũng vẫn thấy đắt đỏ, lãng phí.