Ukraine đang là nạn nhân của kẻ xâm lược, bất ngờ tấn công lãnh thổ của kẻ xâm lược. Hành động anh hùng và ngoạn mục đó làm ta nhớ lại sự kiện cách đây 10 thế kỉ, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân dân Đại Việt đánh thẳng sang đất Tống, phá hủy hoàn toàn những cơ sở chuẩn bị chiến tranh của kẻ địch phương Bắc.
Đoạn chép sau đây trên Wiki thật hả hê, giống y như những gì đang diễn ra trên vòng cung Kurst của nước Nga:
“Lý thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 100.000 quân sang đánh. Quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, tổng chỉ huy là Tôn Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu.
Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, "quân ta tới đâu như vào nhà trống không người".
Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Đại Việt tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ…”
Sự kiện vĩ đại có một không hai đó hàng ngàn năm không hề lu mờ, khiến người TQ cho đến tận ngày nay vẫn lo ngay ngáy. Nếu ở phía Bắc, ngày trước Tần Thủy Hoàng phải xây Vạn Lý trường thành để ngăn chặn quân Hung Nô, thì ngày nay, Trung Cộng phải dựng hàng rào sắt kiên cố suốt dọc biên giới phía Nam để chặn quân dân Đại Việt, đề phòng một vụ “Lý Thường Kiệt” thứ hai.
Sa hoàng Pu chưa kịp làm điều này ở biên giới với Ukraine, nên đã phải hứng đòn “Lý Thường Kiệt” của quân dân Ukraine. Nếu còn sống sót sau cuộc chiến này, chắc y cũng sẽ phải bắt chước Trung Cộng thôi.
Nhân đây, cũng xin giới thiệu sáng kiến của ĐSQ Ukraine tại VN, mở cuộc thi viết về nhân vật lịch sử của đất nước Ukraine trên Wiki. Rất nhiều bạn trẻ VN đã hào hứng tham gia. Viết rất hay, và rất… chuyên nghiệp.
Nhân vật lịch sử không chỉ trong quá khứ, mà ngay trong hiện tại. Ví dụ bài dự thi số 3, viết về trung tướng Kyrylo Oleksilovych Budanov, Giám đốc Cục Tình báo, BQP Ukraine.
Rất trẻ, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1986, từng bị tòa án quận Lefortovo ở Moskva, Liên bang Nga ban hành lệnh bắt giữ do những lien quan đến vụ tấn công vào cầu Kerch tại Crime vào năm 2022. Budanov đã dõng dạc bình luận về sự kiện này như sau:
“Tôi rất hài lòng. Đây là một biểu hiện tốt cho công việc (bảo vệ đất nước) của chúng tôi, và tôi hứa sẽ làm tốt hơn nữa…”
Và cuộc tấn công sang lãnh thổ Nga ngày nay, là nằm trong những việc “tốt hơn nữa” đấy. Budanov (ảnh) chính là một trong những “Tiểu Lý Thường Kiệt” của đất nước Ukraine vậy.
Nhà văn Phạm Lưu Vũ