Anh lo ngại khoảng trống lao động nhập cư sau Brexit

Những đóng góp của lao động nhập cư tại Anh theo thời gian đã khắc sâu và phủ rộng lên nền kinh tế với nhiều ảnh hưởng tích cực khó thay thế được.

426 1 Anh Lo Ngai Khoang Trong Lao Dong Nhap Cu Sau Brexit

Lao động nhập cư ở Anh sẽ ra sao sau Brexit là một chủ đề giành được nhiều sự quan tâm. Khi gần sát thời điểm Anh rời khỏi EU, lực lượng nhân công nhập cư tại quốc gia này lại được báo giới đặt lên bàn cân để so sánh với nhân lực nội địa về các đóng góp cho nền kinh tế, đồng thời đặt ra mối lo ngại về giải quyết khoảng trống trong lao động khi việc đi lại giữa hai bên Anh và lục địa châu Âu nhiều khả năng không còn dễ dàng như trước.

Có người cho rằng, Brexit mang lại nhiều cơ hội và quyền lợi hơn cho lao động bản địa Anh. Thiếu hụt lao động nước ngoài có thể bù lại bằng việc đầu tư thêm vào công nghệ, máy móc để cải thiện năng suất, đặc biệt trong những ngành như nông nghiệp hay y tế. Tuy nhiên, những đóng góp của lao động nhập cư tại Anh theo thời gian là không thể phủ nhận.

Tờ Independent đăng tải một thống kê từ tổ chức nghiên cứu về kinh tế Oxford Economics về đóng góp của lao động nhập cư tại Anh cho nền kinh tế nước này. Số liệu được thống kê cho thấy, nhân lực từ châu Âu trung bình đóng góp cho ngân khố Anh nhiều hơn 2.300 Bảng/năm so với người bản địa.

Mỗi cá nhân trong một đời người cũng chi ra nhiều hơn 78.000 Bảng so với các phúc lợi và dịch vụ xã hội được hưởng, trong khi con số này trên mỗi công dân Anh là bằng 0.

Oxford Economics cũng cho biết điều này có nghĩa là lao động nhập cư đang góp phần làm giảm áp lực thuế trên mỗi đầu người. Thêm vào đó, lực lượng lao động này phần lớn được đào tạo đầy đủ và nhiều người rời khỏi Anh trước khi nhận phúc lợi hưu trí cũng là yếu tố tác động tích cực và bớt gánh nặng cho nền kinh tế.

BBC cũng đưa ra góc nhìn của mình về vấn đề nhập cư tại Anh nói chung. Nhìn chung, lực lượng lao động từ các quốc gia khác có kỹ năng cao hơn so với người bản địa, đặc biệt là nhân công từ Pháp, Đức và Italy có kỹ năng nghề nghiệp cao nhất.

Báo này cũng khẳng định, nhập cư có thể giúp tạo ra nhiều việc làm hơn. Thống kê từ năm 1985 đến 2016 chỉ ra rằng diện tích trồng trọt một số loại nông sản như dâu hay măng tây có dấu hiệu ổn định hoặc tăng trông thấy sau khi nhân lực Đông Âu tràn vào Anh từ năm 2004.

Để đón đầu với việc thiếu hụt nguồn lao động nhập cư sau Brexit, chính phủ Anh cũng đã có kế hoạch của mình, theo một nhan đề khác trên tờ Independent. Trong 2 năm tới, 5.000 lao động ngoài EU sẽ được cấp visa đến làm việc tại Anh trong thời gian 6 tháng. Chương trình thử nghiệm cũng đã được các nhà chức trách công bố vào đầu tháng này với một nửa số lao động trên được cho phép tới Anh mỗi năm để tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp theo mùa vụ.

Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đánh giá kế hoạch này sẽ góp phần đảm bảo năng suất lao động vào thời điểm thu hoạch của năm và mở cánh cửa chào đón lao động nhập cư, những người mang lợi ích đến cho nước Anh.

Theo BBC, Ủy ban tư vấn về vấn đề nhập cư của Anh (MAC) nhận định về chương trình trên rằng cần có sự đánh giá thực sự nghiêm túc để tránh việc lạm dụng trong lĩnh vực nông nghiệp để tuyển dụng các lao động yếu về kỹ năng.

Trong một nghiên cứu của mình, tổ chức này cũng cho biết, chính phủ cần tập trung vào thu hút lao động nhập cư có tay nghề cao như xóa bỏ hạn mức thu nhập tối đa 30.000 Bảng cho đối tượng này. Tổ chức này cũng kêu gọi một chính sách cấp thị thực chung áp dụng cho lao động nhập cư sau Brexit, bất kể là lao động châu Âu hay các nơi khác, như một động thái lôi kéo nhân lực từ khắp nơi trên thế giới.

Nguồn: https://vtv.vn/

Bài liên quan