Thủ tướng Anh Theresa May hôm 21/9 cáo buộc Liên minh châu Âu gây ‘bế tắc’ trong các cuộc đàm phán Brexit (Anh rời khỏi EU) qua việc EU bác bỏ thẳng thừng bản kế hoạch Brexit khiến chỉ tệ Anh bị rớt giá mạnh do lo ngại càng tăng rằng nước Anh sẽ ra khỏi EU trong hỗn loan.
Bản ‘Kế hoạch Chequers’ của bà May – được đặt tên theo dinh thự Chequers tức căn nhà nghỉ mát ở nông thôn của Thủ tướng Anh, nơi kế hoạch này được phác thảo hồi tháng Bảy – có mục tiêu là giữ nước Anh lại trong thị trường chung EU đối với hàng hóa nhưng loại trừ dịch vụ để đảm bảo duy trì thương mại tự do trong khối và không thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland vốn là thành viên EU.
Các quan chức EU ngay từ đầu đã tỏ thái độ lạnh lùng với ‘Kế hoạch Chequers’ và nói rằng Anh quốc không thể nào chỉ chọn những điều có lợi cho mình trong khi rũ bỏ những cái giá và trách nhiệm đi kèm.
Trong một thông cáo hôm 21/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng phía Anh ‘đã biết toàn bộ các chi tiết về lập trường của khối trong nhiều tuần’. Ông nói các nhà lãnh đạo EU đã sững sờ trước lập trường ‘không nhượng bộ’ của bà May tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Salzburg, Áo.
Ông nói rằng một hội nghị thượng đỉnh EU khác vào ngày 18-19/10 sẽ là ‘khoảnh khắc sự thật’ khi thỏa thuận về các điều khoản tách ly và đề cương về giao thương giữa hai bên hoặc là sẽ được chốt lại hoặc là sẽ không có thỏa thuận nào hết.
Mắc mứu lớn nhất hiện nay khi Anh tách ra khỏi EU là Bắc Ireland – vốn là lãnh thổ thuộc Anh – sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn với Ireland vốn thuộc EU và do đó sẽ có quy chế khác biệt với phần còn lại của nước Anh hay là phải theo chân Anh ra khỏi EU hoàn toàn.
Cả Anh và EU đều mong muốn duy trì đường biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ireland. Nếu một đường biên giới cứng được dựng lên thì cuộc sống và hoạt động làm ăn của người dân ở hai phía sẽ bị gián đoạn và phá hoại nền hòa bình ở Bắc Ireland mà khó khăn lắm mới tạo dựng được.
Anh và EU đồng lý là cần phải có điều khoản ràng buộc về pháp lý để đảm bảo rằng sẽ không có việc dựng lại các trạm kiểm soát hải quan hay các cửa khẩu biên giới. Nhưng London bác bỏ đề xuất của EU giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh hải quan của khối còn phần còn lại của nước Anh phải ra đi.
Bà May nói rằng EU ‘đang phạm phải sai lầm cơ bản’ nếu cho rằng bà sẽ đồng ý với ‘bất kỳ hình thức biên giới hải quan nào giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh’.
Bà nói bà muốn khẳng định với người dân ở Bắc Ireland rằng ‘trong trường hợp không đạt được thỏa thuận nào, chúng tôi sẽ làm hết sức trong khả năng để không để quay lại tình trạng biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland’.
Trong bài phát biểu được trực tiếp trên truyền hình ở số 10 Phố Downing sau khi trở về từ Salzburg, bà May nói: “Tôi sẽ không đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý (mà người dân Anh đòi Brexit) cũng như tôi sẽ không làm tan rã đất nước của mình.”
Bà cũng nhấn mạnh rằng bà chuẩn bị đưa Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào ‘nếu như EU không đối xử tôn trọng hơn với Anh.’
Trước đó, báo chính Anh đã tuyên bố rằng bà May bị các lãnh đạo EU ‘hạ nhục’.
“Trong toàn bộ quá trình, tôi đã đối xử với EU hoàn toàn với sự tôn trọng,” bà nói. “Nước Anh cũng đòi hỏi điều tương tự từ EU. Cuối cùng quan hệ giữa hai bên có tốt hay không tùy thuộc vào việc này.”
Bà May cũng nói rằng ‘chúng ta đang bế tắc’. Bà nói EU phải đưa ra ‘đâu là vấn đề thật sự và giải pháp thay thế của họ là gì’.
Đồng bảng Anh đã giảm 1,5% xuống còn 1,3066 đô la Mỹ sau bài phát biểu của bà May do thị trường Anh lo ngại về viễn cảnh gián đoạn kinh tế nếu nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.
Hội nghị Salzburg, vốn được trông chờ sẽ tạo ra bước đột phá về thỏa thuận Brexit, đã diễn ra trong rối loạn khi mà nước Anh chỉ còn 6 tháng nữa là sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3 năm sau.
Tại hội nghị, ông Donald Tusk thẳng thừng nói rằng bản kế hoạch của bà May là ‘không thể làm được’ trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi các chính trị gia ủng hộ Brexit của Anh là ‘bọn dối trá’ khiến dư luận nước Anh hiểu sai về cái giá của việc rời khỏi EU.
Tờ báo lá cải The Sun vốn có lập trường ủng hộ Brexit đã gọi các nhà lãnh đạo EU là ‘lũ chuột bẩn thỉu’ vào cáo buộc ‘những kẻ côn đồ châu Âu’ là Tusk và Macron đã ‘phục kích’ bà May.
Về phía hơn 3 triệu công dân EU đang sống và làm việc ở Anh, bà May đã trấn an rằng họ vẫn được giữ nguyên quyền của mình ngay cả khi không đạt được thỏa thuận về Brexit.
“Quý vị là bạn bè, hàng xóm và là đồng nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi muốn quý vị ở lại,” bà May nói.
Lời lẽ cứng rắn của bà May thể hiện vị thế yếu ớt của bà: hiện bà đang lãnh đạo chính phủ mà không nắm đa số ở Hạ viện, trong khi Đảng Bảo thủ của bà bị chia rẽ giữa phe bài EU và phe ủng hộ EU. Phe chủ trương Brexit đã đe dọa sẽ lật đổ bà nếu bà nhượng bộ EU quá nhiều.
Những lời lẽ nặng nề của bà May rõ ràng là nhằm để xoa dịu phe chống EU trong đảng của bà trước khi diễn ra hội nghị hàng năm của Đảng Bảo thủ vào cuối tháng này vốn được dự đoán sẽ khốc liệt.
Nguồn: voatiengviet.com