Biên giới Pháp sẽ mở cửa trở lại để phục vụ những hoạt động đi lại thiết yếu với điều kiện người qua biên giới phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 và biến thể mới của virus này.
Ngày 22/12, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps thông báo nước này và Pháp đã đạt thỏa thuận cho phép các phương tiện lưu thông trở lại giữa biên giới hai bên từ ngày 23/12.
Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh lệnh cấm đi lại trong 48 giờ qua nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 đã đe dọa nghiêm trọng các chuỗi cung ứng.
Biên giới Pháp sẽ mở cửa trở lại để phục vụ những hoạt động đi lại thiết yếu với điều kiện người qua biên giới phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 và biến thể mới của virus này mới được phát hiện tại Anh (VUI-2020/12/01).
Trong khi đó, các lái xe tải từ Anh sang Pháp, bất kể quốc tịch, sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh cho kết quả trong vòng 30 phút, hiệu quả với cả biến thể mới của virus.
Thỏa thuận sẽ được giới chức hai nước đánh giá lại vào ngày 31/12 tới.
Về phần mình, Bộ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebarri xác nhận các hoạt động giao thông đường hàng không, tàu thuyền và các chuyến tàu thuộc hệ thống Eurostar sẽ được khôi phục từ sáng 23/12.
Các công dân Pháp, người đang sinh sống tại Pháp và những người có lý do đi lại hợp pháp cần cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính.
Anh và Pháp đạt được thỏa thuận mở cửa trở lại biên giới sau khi lệnh cấm đi lại với Anh mà Paris áp dụng trong 48 giờ qua khiến hoạt động giao thông qua biên giới đình trệ, hơn 2.800 xe tải mắc kẹt tại hạt Kent, miền Nam nước Anh vì không thể sang nước láng giềng.
Tình trạng này đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đã bị xáo trộn nhiều trong đại dịch COVID-19, đặc biệt đáng ngại khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021.
Không chỉ Pháp mà hơn 20 quốc gia khác đã ban hành lệnh cấm du khách và hàng hóa từ Anh nhập cảnh vì lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh do biến thể mới của virus được phát hiện tại Anh có khả năng lây lan cao hơn từ 40-70% so với thể thông thường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết dù khả năng lây lan cao hơn nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể này gây hậu quả nghiêm trọng hơn hay kháng các loại vaccine mới được phát triển.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/12 kêu gọi các thành viên dỡ bỏ các lệnh cấm lưu thông qua biên giới với Anh để tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đảm bảo nhu cầu đi lại thiết yếu.
EC kêu gọi các quốc gia nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trên và tiến hành xét nghiệm virus với các hành khách trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng dù biện pháp hạn chế đi lại là cách hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh cho tới khi mọi thông tin trở nên rõ ràng hơn nhưng cũng thận trọng cảnh báo cần duy trì chuỗi cung ứng các hàng hóa cần thiết và đảm bảo hoạt động đi lại thiết yếu.
Cơ quan này đang giám sát chặt chẽ tình hình lây lan dịch bệnh do biến thể mới và trong ngày 23/12 sẽ triệu tập cuộc họp gồm các đại diện của các quốc gia thành viên để thảo luận về các chiến dịch xét nghiệm, giảm lây nhiễm và các nguy cơ khác.
WHO khu vực châu Âu gồm 53 thành viên, bao gồm cả Nga và một số nước Trung Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 22/12, Iraq đã ban hành các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch, trong đó có lệnh cấm đi tới 8 quốc gia xuất hiện biến thể mới của virus.
Iraq quyết định áp dụng lệnh cấm đi tới Anh, Nam Phi, Australia, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Iran, Nhật Bản và bất kỳ quốc gia nào khác mà Bộ Y tế Iraq đưa ra cảnh báo như một phần của các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ người dân.
Bên cạnh đó, Iraq cũng sẽ cấm người nước ngoài nhập cảnh, trừ công dân Iraq hồi hương và những người này cũng sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày cho đến khi được xét nghiệm và xác nhận âm tính.
Chính phủ Iraq quyết định đóng cửa tất cả biên giới trên bộ, nhưng không thông báo lệnh cấm này kéo dài bao lâu.
Các trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở công cộng sẽ đóng cửa trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 24/12 mới.
Hiện, Iraq ghi nhận tổng cộng hơn 586.000 ca bệnh, trong đó có hơn 12.700 ca tử vong.