Những bốt điện thoại đỏ sau nhiều đợt bị tháo dỡ và tống vào bãi phế liệu dầm mưa dãi nắng đến mức gỉ sét, mục ruỗng đã quay trở về “thống trị” đường phố nước Anh với những vai trò thú vị mới.
“Đôi khi có những điều rất khó để buông bỏ”.
Đối với rất nhiều người dân Anh, câu nói trên có thể dùng để diễn tả về những thứ được xem là đại diện cho nền văn hóa lịch sử của đất nước họ, từ những căn nhà cổ kính, chế độ quân chủ, cho đến những chiếc xe buýt hai tầng, bốt điện thoại đỏ…
Hơn một thập kỷ qua, làn sóng công nghệ với những chiếc điện thoại thông minh đã thống trị toàn thế giới và đẩy điện thoại bàn cũng như những chiếc bốt điện thoại công cộng đi thẳng vào bãi phế liệu. Từng một thời là biểu tượng đáng tự hào của nước Anh, bốt điện thoại đỏ cũng không nằm ngoài quy luật đào thải của xã hội. Nhiều năm trời, những chiếc bốt điện thoại này lần lượt bị tháo dỡ và vứt vào “ngôi mộ tập thể” để rồi hoen rỉ và mục rã theo thời gian.
Không thể cứ vậy mà trơ mắt nhìn biểu tượng văn hóa của đất nước trở thành đống sắt vụn vô giá trị, Tony Inglis, chủ sở hữu của một công ty vận chuyển đã từng bước thu thập bốt điện thoại cũ và tái chế lại, cho chúng những công dụng hoàn toàn mới.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1926, chiếc hộp sắt đúc mái vòm màu đỏ này được gọi với cái tên Kiosk No. 2 hay K2. Chúng được thiết kế bởi kiến trúc sư Giles Gilbert Scott, ông cũng là cha đẻ của những công trình nổi tiếng như trạm năng lượng Battersea ở London, nhà thờ Liverpool.
Trong hàng thập kỷ trời, bốt điện thoại đỏ chính là thứ không thể thiếu trên các con phố của nước Anh. Cho đến những năm 1980, bốt điện thoại đỏ bắt đầu bị bỏ rơi sau khi công ty viễn thông British Telecom được tư nhân hóa cùng với phát triển chóng mặt của điện thoại di động.
Trong khoảng thời gian đó, công ty vận chuyển của Tony Inglis được thuê để tháo dỡ bốt điện thoại để bán đấu giá. Kết quả là ông đã tự bỏ tiền túi ra để mua lấy hàng trăm chiếc bốt điện thoại cũ với ý tưởng sẽ sửa chữa chúng để bán lại.
Ý tưởng của Tony từng bị xem là quá điên rồ. “Chúng quá cũ kỹ. Đó là thứ mà thời buổi này chẳng ai muốn cả. Chúng quá to và nặng nề”, ông Tony cho biết. “Chúng tôi không thể nhìn chúng bị vứt bỏ như thế. Tôi cũng không biết mình sẽ làm gì với chúng nữa, chỉ biết không thể trơ mắt đứng nhìn”.
Tony cho biết ông cảm thấy bị thôi thúc bởi mong muốn được bảo tồn những chiếc hộp sắt cổ lỗ sỉ này. Bên cạnh đó, ông tin tưởng rằng việc tái chế lại chúng sẽ là một vụ làm ăn thật sự có lời. Rất nhanh chóng, Tony đã chứng minh suy nghĩ của ông là đúng đắn khi đơn đặt hàng liên tục đổ về.
Có thể nói, Tony đã mở ra một thời đại mới của bốt điện thoại đỏ. Giờ đây, bốt điện thoại đỏ vẫn là một vật trang trí không thể thiếu ở khắp nơi trên đất nước Anh nhưng bên trong nó không phải là điện thoại mà chứa đựng vô vàn điều thú vị như một thư viện nhỏ, tiệm bán hoa, bán thức ăn nhanh, tiệm sửa điện thoại di động, hay thậm chí là một vũ trường mini dành cho một người…
Tại một số vùng quê hẻo lánh, xe cứu thương sẽ rất mất thời gian để di chuyển đến nơi và chiếc bốt điện thoại đã trở thành vị trí tuyệt vời để lắp máy khử rung tim. Trong trường hợp khẩn cấp, các tổ chức tại địa phương chỉ cần bỏ ra khoảng 1 bảng thuê những chiếc máy này để sử dụng vô cùng tiện lợi.
Đối với ông Tony, những chiếc bốt điện thoại đỏ gợi lại trong lòng người dân một kỷ nguyên khi mà mọi thứ được tạo ra đều bền lâu và hữu dụng. Chẳng hạn như những chiếc bốt điện thoại đời đầu, bên trong còn có gương soi và chiếc kệ nhỏ đựng đồ, giá treo ô để mọi người có thể nghỉ chân.
“Chúng là thứ mang tính biểu tượng. Những chiếc bốt điện thoại đỏ chính là lịch sử. Dù chiến tranh hay bom đạn, chúng đều đã vượt qua tất cả mọi thăng trầm cùng với đất nước này”, Eddie Ottewell – chủ sở hữu một công ty cho thuê bốt điện thoại cho hay.
Nguon: http://kenh14.vn